Chinadaily đưa tin, tập đoàn công nghệ Apple đang mở rộng hoạt động ở Trung Quốc với các phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng mới, nhằm khai thác năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển của đất nước tỷ dân này để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
“Chúng tôi đã đầu tư 1 tỷ nhân dân tệ (139,4 triệu USD) vào phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại Trung Quốc. Với kế hoạch mở rộng mới, khoản đầu tư của chúng tôi sẽ tiếp tục tăng”, Isabel Ge Mahe, Phó chủ tịch và Giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc đại lục của Apple, cho hay.
Apple cho biết họ sẽ nâng cao năng lực của phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại Thượng Hải để hỗ trợ độ tin cậy, chất lượng và phân tích nguyên vật liệu cho tất cả các dòng sản phẩm.
Cuối năm nay, tập đoàn Mỹ này cũng sẽ thành lập thêm một phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc) nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nhân viên khu vực và tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp địa phương. Phòng thí nghiệm mới này sẽ củng cố năng lực thử nghiệm và nghiên cứu cho các sản phẩm như iPhone, iPad và Apple Vision Pro.
“Chúng tôi chọn đặt hai phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng tại Trung Quốc là nhờ vào thế mạnh sản xuất của đất nước này và sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà cung cấp địa phương”, bà Isabel Ge Mahe nói và cho biết thêm rằng số lượng nhân viên nghiên cứu và phát triển của Apple tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Động thái trên diễn ra trong lúc có nhiều thông tin cho rằng các nhà cung ứng của Apple đang chuyển dịch hệ thống sản xuất khỏi Trung Quốc.
Theo Apple Insider, Apple và hầu hết hoặc tất cả các công ty công nghệ trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc đó. Bên cạnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, quá trình sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Báo cáo của ngân hàng đầu tư TD Cowen công bố hồi đầu tháng 1 cho biết, trong 4 năm kể từ khi bắt đầu đại dịch, doanh thu của Apple ước tính giảm hơn 30 tỷ USD. Điều này xuất phát từ việc “nguồn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường do gián đoạn sản xuất ảnh hưởng từ thiếu hụt nguồn cung linh kiện, nguồn lao động sẵn có và các hạn chế di chuyển do quy định của chính phủ”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các nhà cung ứng đã chi tổng cộng 16 tỷ USD kể từ năm 2018 và sẽ còn tăng trong các năm tới để đa dạng hoá sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Mexico, Mỹ và Việt Nam.
“Sự đa dạng hóa về mặt địa lý và nguồn cung lao động có thể làm giảm đáng kể tác động của những rủi ro bất ngờ gây gián đoạn sản xuất trong tương lai”, báo cáo viết.
Về tiến trình dịch chuyển, kết quả phân tích hơn 1.000 hồ sơ tài chính từ các công ty chủ chốt như Foxconn, cho thấy “việc sản xuất iPhone vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc dù Tata Electronics của Ấn Độ có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu iPhone trong tương lai”.
TD Cowen cho biết Tata Electronics mới chỉ đạt công suất 25 triệu máy mỗi năm, chỉ đủ đáp ứng gần 11% nhu cầu toàn cầu.
Trong khi đó, Mac và iPad có bước phát triển lạc quan khi đưa nhà máy về khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu thực địa về chuỗi cung ứng của TD Cowen cho thấy Việt Nam đã phát triển thành trung tâm sản xuất máy tính lớn trong những năm gần đây và “năng lực của Việt Nam có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu Mac/iPad hàng năm của Mỹ”.
Các nhà phân tích của JPMorgan ước tính rằng đến năm 2025, sẽ mới có khoảng 25% tất cả các sản phẩm của Apple, bao gồm Mac, iPad, Apple Watch và AirPods, sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Apple chưa bình luận về báo cáo này hoặc về kế hoạch giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.