Từ đầu năm đến nay, áp lực tỉ giá khá “căng”. Đồng USD bán ra vẫn neo ở mức 25.471 đồng (theo tỉ giá Vietcombank ngày 17-6). Tại cuộc họp giữa tháng 6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất USD ở mức cao (5,25 – 5,50%).
Nhiều yếu tố hỗ trợ, tỉ giá sẽ bớt nóng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất 40 năm để chống lại lạm phát và duy trì ở mức cao suốt ba năm gần đây.
Dù lạm phát Mỹ bắt đầu hạ nhiệt nhưng chưa thực sự vững chắc, nhiều dự báo khác nhau quanh khả năng điều chỉnh lãi suất từ Fed.
Theo ông Phước, việc Fed hạ lãi suất sớm muộn vài tháng đều có tác động đến thị trường. Nhưng điều quan trọng hơn là kỳ vọng lớn của thị trường về việc đồng USD sẽ giảm giá.
Trong thực tế, Dollar Index đã tăng trong một khoảng thời gian dài và duy trì tại vùng đỉnh do chênh lệch lãi suất. “Đã leo dốc lên đỉnh rồi, chỉ còn chờ thời gian sẽ đổ dốc từ từ xuống mà thôi”, ông Phước nhận định.
Ngoài ra theo ông Phước, khả năng mất giá VND trong nửa cuối năm nay sẽ không còn mạnh nữa do lãi suất huy động VND tại các ngân hàng đang tăng dần.
“Việc lãi suất nhích dần lên đến từ sức cầu tín dụng tăng dần lên. Tăng trưởng tín dụng tốt hơn, nhưng huy động vốn tăng trưởng thấp, điều này tạo áp lực dẫn đến các ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm”, ông Phước khẳng định.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), cũng cho rằng áp lực lên tỉ giá sẽ sớm hạ nhiệt khi USD có xu hướng yếu đi. Sau cuộc họp hôm 12-6 của Fed, dù vẫn neo lãi suất USD ở mức hiện tại nhưng với quan điểm “ôn hòa” hơn, sức mạnh đồng bạc xanh đã hạ nhiệt. Và theo dự báo của nhiều chuyên gia, nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay.
Cũng theo bà Hiền, từ tháng 7 và tháng 8 trở đi, cầu nhập khẩu sẽ giảm xuống, sẽ làm giảm cầu ngoại tệ. “Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang duy trì cán cân thanh toán dương, dự trữ ngoại hối dự kiến đạt 110 tỉ USD trong năm 2024, FDI giải ngân vẫn tốt.
Đặc biệt, Chính phủ đang rất quyết liệt trong bình ổn được giá vàng, thu hẹp mức chênh lệch với giá thế giới, theo đó cầu USD trong nước sẽ hạ nhiệt theo”, bà Hiền nói.
Vẫn cảnh giác với lạm phát
Đồng USD mạnh lên, một số ngân hàng trung ương trong khu vực đã phải thực hiện nhiều biện pháp để can thiệp ổn định tỉ giá, một số đã phải lùi thời điểm giảm lãi suất.
Như Ngân hàng Trung ương Indonesia đã phải tăng lãi suất trong năm nay trước sự mất giá của đồng nội tệ. Vậy, Việt Nam có cần nâng lãi suất điều hành?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn có các công cụ điều hành mà chưa cần nâng lãi suất để can thiệp tỉ giá.
“Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phát tín hiệu lạm phát đạt đỉnh và có xu hướng hạ lãi suất. Fed chưa hạ lãi suất nhưng cũng sẽ không tăng lãi suất thời gian tới”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu được nới lỏng từ năm ngoái để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nếu Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành trở lại, đồng nghĩa việc phát ra tín hiệu mạnh mẽ thông điệp chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt.
Dù vậy, các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động nâng lãi suất huy động để kích thích nhu cầu gửi tiền, góp phần ổn định tỉ giá…
“Tỉ giá có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng việc có nên nâng lãi suất điều hành hiện phụ thuộc cả vấn đề lạm phát và thanh khoản hệ thống. Nếu có dấu hiệu lạm phát tăng cao, thanh khoản hệ thống thiếu hụt, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có giải pháp linh hoạt, chủ động với lãi suất điều hành”, ông Bình nói.
Với việc lãi suất huy động bắt đầu tăng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, gây cản trở sự phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên theo ông Trương Văn Phước, chưa quá quan ngại vấn đề này bởi lãi suất cho vay không thể lập tức tăng lên ngay sau khi tăng lãi suất huy động.
Thậm chí trong bối cảnh tín dụng ì ạch như hiện nay, các ngân hàng muốn tăng dư nợ còn phải hạ lãi suất cho vay để kích thích nhu cầu tín dụng.
“Tỉ giá hay lãi suất cuối cùng vẫn là bài toán ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, lạm phát là khía cạnh quan trọng”, ông Phước nói. Lạm phát thế giới bắt đầu đi xuống, lạm phát bình quân toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống từ mức gần 6% năm nay xuống còn hơn 3% trong vài ba năm tới. Với một nước mở cửa sâu rộng như Việt Nam, giá hàng hóa toàn cầu tăng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước và ngược lại.
“Song Việt Nam vẫn phải cảnh giác vì dù giá cả thế giới tăng không cao nhưng do tỉ giá tăng, VND mất giá sẽ cộng hưởng vào áp lực giá trong nước.
Điều này cần lưu ý khi điều hành chính sách tỉ giá”, ông Phước khuyến nghị. Thêm nữa, trong nước nhiều người lo việc tăng lương từ 1-7 sẽ gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên theo ông Phước, quy mô lương mới điều chỉnh không phải quá lớn, nên lạm phát năm nay quanh mức 4% là khả thi.
Đồng tiền các nước trong khu vực ra sao?
Xu hướng giảm của VND so với USD vẫn khá tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực. Chẳng hạn, đồng baht Thái đã giảm gần 7% từ đầu năm, đồng ringgit Malaysia giảm gần 3%, đồng yen Nhật giảm 11%, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm gần 2,3%, đồng đô la Singapore mất giá 2,61%…
Theo bà Trần Khánh Hiền – giám đốc khối nghiên cứu MBS, sự suy yếu của VND sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán, gây áp lực lên các nghĩa vụ nợ thanh toán bằng USD của cả khu vực tư nhân lẫn Chính phủ.
Đồng thời đẩy giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu về lạm phát… Ngược lại, VND yếu sẽ là yếu tố thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ròng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ap-luc-ti-gia-dan-ha-nhiet-20240618082142378.htm