CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất tính từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước vào năm 2021. Điều này đặt áp lực lên việc kiểm soát tốt lạm phát đi kèm tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ sẽ có xu hướng giảm dần. Ảnh: Đức Mạnh
Kịch bản lạm phát 6 tháng cuối năm
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2024 tăng 0,17% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Giá cả hàng hóa rục rịch tăng trong bối cảnh tăng lương cơ sở khiến nhiều ý kiến lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Nhìn vào những nhân tố tăng và giảm lạm phát 6 tháng cuối năm 2024, PGS.TS Vũ Duy Nguyên – Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính – chỉ ra hai kịch bản: Một là CPI bình quân ở khoảng 3,95% (tăng 0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6-6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới. Hai là CPI bình quân khoảng 3,95% (giảm 0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5.2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của NHNN, cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình.
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế – nhận định CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 4,2 – 4,5%. Ngay cả ở mức tăng dự báo này, lạm phát vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát và cho thấy vẫn trong xu hướng giảm khá bền vững trong những năm gần đây.
“Dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm, song trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra. Thêm vào đó, trong bối cảnh Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, lạm phát của Việt Nam sẽ trong tầm kiểm soát, qua đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm
Để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm, bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê – nhấn mạnh cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước.
“Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu” – bà Oanh nói.
Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, bà Oanh cho rằng không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm, không nên dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/ap-luc-kiem-soat-tot-lam-phat-tu-nay-den-cuoi-nam-1362979.ldo