DNVN – Báo cáo của Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế tại hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”, sáng ngày 13/5 cho biết, việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ trong quản lý thuế của cơ quan thuế đang ở giai đoạn phát triển. Bởi vậy, quá trình áp dụng này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) là phương thức quản lý thuế tiên tiến, hiện đại và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi số lượng người nộp thuế (NNT) tăng ngày càng nhanh, quy mô hoạt động của NNT ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế. Cơ quan thuế không có đủ nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực và kỹ thuật để quản lý tất cả NNT.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.
Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro tuân thủ sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình để tập trung quản lý nhóm NNT có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.
Hội thảo nhấn mạnh về khó khăn QLRRTT trong nền kinh tế số.
Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, cùng với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, hiện đại hóa công tác quản lý, cơ quan quản lý thuế phải thay đổi phương thức quản lý thuế. Đó là từ quản lý thuế truyền thống sang quản lý thuế theo phương thức phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ NNT. Do vậy, việc triển khai áp dụng QLRRTT là cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.
Từ năm 2019, Tổng cục Thuế đã triển khai và chú trọng đến công tác QLRRTT. Trong 5 năm qua, ngành thuế đã tạo được hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với định hướng chiến lược cải cách hiện đại hóa của ngành đến năm 2030.
Dựa trên kết quả áp dụng các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, kết quả thanh tra, kiểm tra NNT tại cơ quan thuế các cấp đều tăng qua các năm.
Tuy nhiên, Ban Quản lý rủi ro thừa nhận, quá trình triển khai thực hiện áp dụng QLRRTT hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ là một nhiệm vụ lớn và phức tạp.
Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với chủ trương đẩy mạnh hội nhập, thời gian tới có nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân kinh doanh tại Việt Nam với các hoạt động ngày càng đa dạng, phức tạp. Đây là một áp lực cho công tác quản lý thuế nói chung, trong đó có yêu cầu về quản lý thuế theo phân tích rủi ro.
QLRRTT mới được nghiên cứu triển khai áp dụng tại một số nghiệp vụ quản lý thuế đơn lẻ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý thuế mà chưa xây dựng và triển khai chương trình QLRRTT tổng thể về thuế. Ngành thuế cần hệ thống quản lý toàn diện về phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ thuế.
Cùng với đó, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRRTT chưa phù hợp, chưa tương xứng với công quản lý thuế trong giai đoạn hiện nay.
“Việc triển khai áp dụng QLRRTT của cơ quan thuế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn này, trước mắt, ngành thuế sẽ phải đối phó với không ít những khó khăn, thách thức, bao gồm cả các yếu tố bên trong và bên ngoài.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành thuế, công tác QLRRTT tổng thể sẽ phải giải quyết rất nhiều công việc. Có những vấn đề cần được xem xét, giải quyết ở tầm chiến lược, có sự phối hợp giải quyết xử lý với nhiều cấp, đơn vị ở cả trong và ngoài ngành”, đại diện Ban Quản lý rủi ro chia sẻ.
Hà Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/ap-dung-quan-ly-rui-ro-tuan-thu-trong-nganh-thue-gap-nhieu-kho-khan/20240513094938501