Canada đã có khoảng từ 8 đến 10 năm kinh nghiệm trong việc gia tăng ứng dụng công nghệ số vào việc đi lại và di chuyển của người dân. Nước này đang hướng tới một hệ thống giao thông lý tưởng tương thích công nghệ số, trong đó ưu tiên giao thông công cộng hiệu quả, dễ tiếp cận và giá phải chăng.
Công nghệ số có khả năng cải thiện việc di chuyển trong đô thị để đạt được nhiều lợi ích khác nhau về mặt xã hội. Công nghệ số nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ này thông qua tối ưu hóa các tuyến đường, kết hợp nhiều phương thức vận tải bằng ứng dụng tích hợp và thanh toán không tiếp xúc.
Tại diễn đàn khám phá tiềm năng của công nghệ số trong việc cải thiện giao thông công cộng ở Canada do Viện Nghiên cứu Chính sách công tổ chức, các diễn giả ra cũng như đại biểu tham dự đều mong muốn có một chuyển đổi mang lại kết quả tốt đẹp, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Đây cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Việt Nam học hỏi kinh nghiệm công nghệ số để cải thiện giao thông ở Canada. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Để công nghệ số phát huy hết tiềm năng thì công nghệ số phải trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi rộng rãi, với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, bao gồm việc quy hoạch giao thông, quản lý dịch vụ chia sẻ đi lại là các ứng dụng đặt xe và vấn để bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Canada, Phó giáo sư, Giám đốc Viện Quản lý và Đổi mới Shauna Brail thuộc Đại học Toronto cho biết, khi Uber bắt đầu đến Canada, công ty này hoàn toàn không bị quản lý và vẫn hoạt động trên thực tế nhờ các ứng dụng đặt xe di động. Các cấp chính quyền lúc đó nói rằng không thể cho phép loại hình này hoạt động bởi nhiều lý do như tính an toàn của phương tiện và người lái hay việc bảo vệ hành khách và việc tính phí như thế nào.
Nhưng theo bà, sau một thời gian, họ đã có được bộ quy định cơ bản và dần dần hoàn thiện cho tới hôm nay để có thể hỗ trợ cho cuộc sống cũng như công việc của tất cả mọi người. Trong tương lai, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ tới việc đảm bảo cho những người hoạt động trong lĩnh vực này được an toàn, được trả lương cao và có không gian cũng như thời gian nghỉ ngơi.
Để đạt được điều này, đòi hỏi Canada sẽ phải vượt qua những thách thức như đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông bền vững và sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp chính quyền khác nhau. Công nghệ số có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ họ vượt qua thách thức, nhưng sẽ còn nhiều vấn đề phải cân nhắc.
Canada đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các phương tiện vận tải. Nguồn: Internet.
Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách công Canada Rachel Samson nói với phóng viên: “Chúng ta đã nói rất nhiều về lợi ích, nhưng trên thực tế cũng sẽ có không ít thách thức khi triển khai. Đó là vấn đề về kinh phí hay khả năng ứng dụng của công nghệ”.
Bà cho rằng các thành phố có thể phải chấp nhận một số rủi ro và hy vọng sẽ được các cấp chính quyền hỗ trợ thông qua việc tài trợ hay tạo hành lang pháp lý để thực hiện quá trình chuyển đổi, cũng như đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu được thu thập từ quá trình sử dụng các phương tiện công cộng.
Các cuộc thảo luận tại diễn dàn này đã đề cập đến tầm quan trọng của quyền riêng tư và việc bảo mật dữ liệu trong bối cảnh ứng dụng công nghệ để cải thiện giao thông công cộng. Các diễn giả nhấn mạnh tới việc cần thiết phải nâng cao nhận thức cho người dân và sự phối hợp của chính quyền cũng như các cơ quan hữu quan để triển khai vấn đề chuyển đổi số trong giao thông.
Việc mong muốn có hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy, dễ tiếp cận và giá phải chăng là mong muốn không chỉ của người dân mà còn của các cấp chính quyền ở cả Canada và Việt Nam. Tùy vào điều kiện khác biệt về cơ sở hạ tầng và công nghệ số cũng như việc sử dụng thiết bị thông minh mà từng nơi sẽ có những cách áp dụng sáng tạo để đạt hiệu quả./.
Bích Hường