Tiến sĩ Đặng Thị Mộng Quyên phát biểu khai mạc lớp tập huấn. |
Tham dự lớp tập huấn có 120 học viên là cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ quản lý chương trình OCOP, các đơn vị tư vấn OCOP, các chủ thể OCOP đến từ các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh.
Lớp tập huấn kéo dài 3 ngày với đầy đủ các phần lý thuyết, thực hành và tham quan thực tế. Nội dung tập trung vào: tổng quan chương trình OCOP gắn với Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP; giới thiệu một số công nghệ mới trong chế biến và bảo quản nông sản; liên kết chuỗi giá trị phát triển sản phẩm OCOP.
Tiến sĩ Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý Quốc gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP, những điểm sáng và thách thức hiện nay. |
Bên cạnh đó, học viên được hướng dẫn kỹ năng quảng bá và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nhất là TikTok; thảo luận về thực tiễn phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương; tham quan thực tế các mô hình OCOP điển hình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc tập huấn, Tiến sĩ Đặng Thị Mộng Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm cho biết, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP là điều cần thiết, phù hợp thực tiễn xã hội.
Cũng theo Tiến sĩ Đặng Thị Mộng Quyên, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021 đến nay, nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chương trình OCOP nhằm hướng dẫn đánh giá sản phẩm OCOP, liên kết chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm,…
Đây là dịp để chủ thể OCOP ở các địa phương kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời là cơ hội để các chuyên gia, đơn vị quản lý gặp gỡ các chủ thể OCOP nhằm lắng nghe, tư vấn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, giá trị và lan tỏa sản phẩm OCOP trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay.
Theo lãnh đạo nhà trường, trong thời gian đến, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
L.P
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/ap-dung-cong-nghe-moi-de-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-4003414/
Bình luận (0)