Tiếp và làm việc với đoàn công tác tại Đồng Tháp, có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn kiến nghị Bộ TN&MT cho khảo sát, tiến hành đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Về thủ tục nạo vét các cồn nổi, bãi bồi, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ GTVT có hướng dẫn cụ thể về trình tự, các bước triển khai thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở (có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét, cung ứng vật liệu cho công trình). Cho ý kiến cụ thể về phương thức thực hiện (đấu giá, đấu thầu, xét chọn nhà thầu đủ năng lực,… hay hình thức cụ thể nào khác) để lựa chọn nhà thầu triển khai dự án nạo vét có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét, thống nhất chủ trương về việc Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/01/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù. Trong đó làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, khoáng sản cát sau khi khai thác để cung ứng cho công trình cao tốc phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định. Do đó, kiến nghị Bộ TN&MT phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc xây dựng mức giá tại mỏ làm căn cứ xuất hóa đơn theo quy định.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng các cơ quan chuyên môn của hai Bộ TN&MT và Bộ GTVT cùng làm rõ các kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời, gợi mở những phương án thực hiện, triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng để đầu tư cho vùng, trong đó có việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, do đó việc thực hiện cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, trong đó vai trò của địa phương rất quan trọng để các công trình, dự án giao thông trọng điểm có thể sớm hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Với tình hình thực tiễn nguồn cung vật liệu cát đang ngày càng khan hiếm, Bộ trưởng thống nhất với kiến cho khảo sát, tiến hành đánh giá tổng thể sản lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản, từ đó có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững; đồng thời tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra đột xuất, không để lợi dụng chính sách ưu việt của nhà nước để khai thác trái phép, mua bán, vận chuyển không hóa đơn… Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai thực hiện nạo vét chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở. Việc này vừa đảm bảo lưu thông dòng chảy, vừa kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để cung ứng vật liệu cho các công trình.
Đánh giá cao những chỉ đạo của tỉnh Đồng Tháp trong việc kịp thời triển khai các giải pháp cung ứng vật liệu cho cao tốc trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, theo khảo sát, hiện lượng cát bồi phù sa hàng năm của lưu vực sông khu vực ĐBSCL đang sụt giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thủy điện phía thượng nguồn, chính vì vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chuyên môn Bộ TN&MT để đánh giá lại toàn diện khả năng cung ứng vật liệu cát trên lưu vực, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp; vừa đảm bảo khai thác vật liệu phục vụ cho công tác xây dựng hạ tầng, vừa chống sạt lở, xói mòn, phù hợp với các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, bám sát chức năng nhiệm vụ của mình để hỗ trợ tốt nhất cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung, đáp ứng được nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội có tính liên kết, liên vùng.