Đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa thép nhập khẩu và sản xuất trong nước
Chiều 23/10, tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình hình nhập khẩu thép tăng mạnh trong thời gian qua ảnh hưởng như thế nào đến ngành sản xuất trong nước, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – cho biết, trong nước, ngành sản xuất thép cán nóng (HRC) hiện có 2 doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm, được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác với tỷ lệ 50:50.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu về thép cán nóng của thị trường nội địa khoảng 13 triệu tấn/năm. Như vậy, “nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung quan trọng cho nhu cầu của thị trường trong nước trong suốt thời gian qua” – ông Chu Thắng Trung khẳng định.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Cấn Dũng |
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, vừa qua, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo quy trình điều tra, Bộ Công Thương đã gửi câu hỏi điều tra đến tất cả các bên liên quan. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được 20 bản trả lời của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nhập khẩu. “Dựa trên các thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như tác động của nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả những diễn biến về việc gia tăng nhập khẩu trong thời gian gần đây” – ông Chu Thắng Trung thông tin.
Đồng thời khẳng định, trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ để xác định ngành sản xuất trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời báo chí. Ảnh: Cấn Dũng |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, việc nhập khẩu có sự tăng vọt, trong khi kim ngạch giảm đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy phải điều tra chống bán phá giá. Bộ Công Thương sẽ cân nhắc tổng thể về cung cầu. “Hiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì buộc chúng ta phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu ồ ạt mà gây tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước và đặc biệt là cản trở sự phát triển của ngành này thì sẽ phải có công cụ bảo vệ” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, biện pháp hiện nay là Bộ đang tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp về chống bán phá giá. Trên cơ sở đó để điều tiết nhập khẩu, đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên. “Nếu trong trường hợp Bộ Công Thương xác định đúng có gây thiệt hại và hội tụ đủ các yếu tố thì sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời” – Thứ trưởng khẳng định.
Không quá e ngại khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo
Liên quan đến các câu hỏi về Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tác động như thế nào đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – thông tin, tháng 7/2023 Ấn Độ ban hành luật cấm xuất khẩu gạo, tuy nhiên đến ngày 28/9/2024 nước này đã gỡ bỏ lệnh này. “Ấn Độ là quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn trên thị trường gạo thế giới. Động thái của nước này đã được Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo dõi sát sao” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu. Ảnh: Cấn Dũng |
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 23% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với 9 tháng năm 2023.
Với kết quả trên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam khá khả quan. Tuy nhiên, với động thái gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ chắc chắn giá xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp, Hiệp hội vẫn đang theo dõi sát sao động thái này để tránh bị động trong quá trình xuất khẩu gạo. “Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cũng với các Hiệp hội, địa phương và các doanh nghiệp tiếp tục giám sát tình hình để có những thay đổi phù hợp” – ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, Việt Nam đang thực hiện chủ trương đa dạng hoá, chuyển đổi cơ cấu sang các loại gạo chất lượng cao, có tính đặc thù như gạo thơm,… để không bị đụng hàng với các loại gạo xuất khẩu của Ấn Độ và hạn chế các khả năng bị ảnh hưởng.
Nhắc lại những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” về đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng lúa gạo đặc biệt là xây dựng thương hiệu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Với thương hiệu riêng có và đặc trưng của gạo Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nước khác. Chính sách của Ấn Độ tất nhiên sẽ có tác động, nhưng không phải quá e ngại”.
Nguồn: https://congthuong.vn/ap-dung-chong-ban-pha-gia-neu-thep-nhap-khau-anh-huong-xau-toi-san-xuat-trong-nuoc-354313.html