Cứ mỗi độ cuối đông về, ngoài đường lất phất mưa rơi, cái lạnh buốt miền Trung xứ Huế, từng đoàn người hối hả xuống đồng cắm nhanh cây mạ cuối cùng để về nhà chuẩn bị đón tết…
Khi xuân chớm về, bên vườn nhà các loài hoa thi nhau chớm nụ ra hoa, vài ba cây mai được bà con nhắc nhau trảy lá để kịp ra hoa tết về. Đây cũng là lúc mỗi người chú ý trang phục ngày tết trong nhà mình…
Giữa tháng chạp, dòng người làm ăn xa lần lượt về quê. Nhà trên xóm dưới hỏi thăm mấy đứa làm ăn xa, năm nay có về quê ăn tết không. Chuyện cập nhật mỗi ngày, làm nóng lên tính thời sự tết quê…
Tết xưa, ở quê cuộc sống bình dị giản đơn. Quanh năm chân lấm tay bùn với đồng ruộng và vườn tược. Nhưng lưng chừng tháng chạp là lúc nhiều nhà may áo mới cho từng thành viên trong gia đình.
Các tiệm may ở quê bắt đầu nóng lên khi tháng chạp về. Hồi ấy cả làng tôi cũng chỉ có vài ba tiệm may nho nhỏ. May thủ công bằng bàn đạp chân, nhưng đường may mũi chỉ thì tuyệt vời. Vì thế ngày thường may nhiều, giáp tết lại càng nhiều hơn…
Vải may áo quần ngày tết chất thành đống, các nhà may phải đưa thêm người nhà làm thêm khuy nút, ủi áo quần sau khi may xong. Quần quật cả ngày lẫn đêm để kịp cho khách hàng đến nhận…
Ngày xưa, chuyện ủi áo quần là lắm công phu. Tôi còn nhớ mãi cái bàn ủi đầu gắn hình con gà. Bỏ than vào, ngồi quạt than đỏ hồng, đậy lại và đem vào ủi, ủi một hồi than nguội, mở ra, quạt tiếp và ủi… Để ủi xong bộ áo quần có khi hơn cả tiếng đồng hồ. Không như bây giờ, bàn ủi điện, năm mười phút là xong mà sạch sẽ. Nhưng giờ mà quay lại ngày xưa cũng không còn bàn ủi đầu gắn hình con gà đâu! Vì một thời, con buôn kháo nhau để thu mua tất cả bàn ủi loại này…
Ở quê, nhà nào kinh tế khá giả, lo may áo quần sớm thì đỡ cảnh ngóng chờ. Còn không, giáp tết mới có tiền con làm ở đường xa đưa về, đem mấy đứa nhỏ đi đo may áo quần thì chịu khó đợi đến phút cuối năm cũ…
Mà các bác thợ may ở làng cũng khéo lắm, đã may lành nghề lại giỏi ứng xử tình huống tuyệt vời. Hàng may ngày tết, khách đến nhận may chưa xong cũng vui vẻ ra về. Vì được hẹn “tương lai” gần. Khi bác may rồi nhưng chưa vào cổ áo, khi may rồi chưa vào dây kéo, may rồi nhưng chưa ủi…
Áp lực công việc ngày tết, thương cho các bác thợ may, có khi chong đèn thức đến sáng may cho kịp hàng. Những ngày cận tết, khách vào ra tiệm may tấp nập. Người nhận rồi vui vẻ ra về với tà áo mới, người chưa nhận được lại thắp hy vọng cho ngày sau…
Đêm ba mươi tết, có năm khách đến nhận áo quần ra về là thời khắc giao thừa cũng vừa đến. Kết thúc năm cũ đón chào năm mới, một công việc làm đẹp cho mọi người! Vui buồn lẫn lộn, nhọc nhằn mà hạnh phúc!
Sáng mùng một, sau đêm thức đón giao thừa, mọi nhà thức dậy trễ, nhưng đám con nít nhà nào cũng dậy sớm hơn thường ngày, bước xuống giường là tìm ngay bộ áo quần mới. Mặc vào muốn đi sớm, nhưng được cha mẹ dặn: đầu năm để người hạp tuổi xông đất, mình mới đến nhà người ta sau nghe các con!
Đám con nít nhìn qua cửa xem nhà bên có người đến, thế là chạy ra đường gặp nhau, khoe nhau áo mới, hạnh phúc tràn đầy trên khuôn mặt trẻ, tung tăng trong ngày đầu năm mới.
Người lớn đến thăm nhau ngày mùng một, thắp nhang cho ông bà tổ tiên, chuyện trò chúc nhau năm mới, không quên bao lì xì đỏ chói cho mấy đứa nhỏ, túi áo mới còn nguyên mùi vải có màu đỏ bao lì xì là hạnh phúc tràn về của đám nhỏ tết xưa…
Ngoài trời vài giọt mưa xuân đọng lại trên những cành mai, lăn tròn trên lá, trên từng cánh mai vàng, một chút gió thoảng, rung rinh rung rinh. Hoa vàng đúng độ, ngày mới đầu năm, cây trong vườn như trẻ lại, con người như tiếp thêm năng lượng tràn trề từ hoa cỏ mùa xuân. Hạnh phúc giản đơn: Tà áo mới tết xưa là vậy…
CAO NGỌC TOẢN
Trường THPT Tam Giang, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế