Cũng trong 10 năm qua, nhóm Đình Làng Việt cũng là đơn vị tiên phong phục hồi áo ngũ thân, đã tồn tại hàng trăm năm nay và có giá trị lịch sử, góp phần giúp nhận diện bản sắc dân tộc Việt Nam, phù hợp với nhiều lứa tuổi, hay thành phần xã hội khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau…
Nhà nghiên cứu Trần Đoàn Lâm khẳng định sự cần thiết phải có quốc phục, cùng với Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc hiệu Việt Nam… là những biểu trưng ngắn gọn nhất, dễ hình dung nhất, biểu cảm nhất của một quốc gia, một dân tộc. Đối với văn hóa, chiếc áo dài cũng góp phần định vị nền văn hóa dân tộc trên bức tranh đa sắc màu của văn hóa thế giới, trong đó áo dài khả dĩ sử dụng cho các tình huống lễ nghi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao, các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Theo TS Trần Đoàn Lâm: Áo dài truyền thống, với kiểu tay chẽn hay tay thụng, được kế thừa từ loại áo Năm thân vốn xuât phát từ Huế là lựa chọn phù hợp cho cả nam và nữ.
Áo dài ngũ thân (áo dài truyền thống) ra đời từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Đến thời vua Minh Mạng, với sự quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; chiếc áo dài ngũ thân được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Đính, cố vấn của Câu lạc bộ Đình làng Việt mong muốn Áo dài nam giới sẽ xuất hiện thường xuyên với cán bộ viên chức ở các công sở, mỗi tuần 2- 3 buổi và mong rằng, Chính phủ sớm có quy định về việc này, xác nhận Áo dài là Quốc phục.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn về Áo dài trong tính đa dạng của văn hóa Việt Nam vì nền văn hóa này là tổng thể hòa quyện văn hóa của 54 dân tộc cùng cộng sinh hài hòa trên mảnh đất chữ S. Các dân tộc đều có trang phục truyền thống của mình và đều đáng trân trọng, đáng bảo tồn và đã có chính sách tạo điều kiện phát huy chúng một khi đó là di sản văn hóa. Nhưng khi xem xét một loại trang phục khả dĩ làm Quốc phục để đại diện cho Văn hóa Việt Nam ở tầm quốc gia hay quốc tế, chúng ta phải chọn lựa loại y phục nào có tính phổ biến nhất, có năng lực thể hiện bản dạng của dân tộc Việt Nam khi tư duy Việt Nam như một cộng đồng thống nhất, hay văn hóa Việt Nam là một thực thể thống nhất.
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: bảo vệ áo dài cũng chính là lưu giữ những giá trị văn hóa Việt Nam, bao hàm nhiều ý nghĩa: gia đình, dòng họ, nghi lễ, phong tục tập quán, ứng xử, nghệ thuật trình diễn… Theo đó, áo dài là sản phẩm sáng tạo của di sản văn hóa phi vật thể. Bảo vệ áo dài cũng chính là cách để nhận diện chúng ta là ai, dù ở đâu, trong thời khắc nào. Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Minh Lý: “Bảo vệ áo dài cũng chính là việc giữ gìn sự đa dạng. Ngũ thân hay như thế nào đó thì cũng phải là áo dài, không nên câu nệ là đừng phát triển. Chúng ta có nhiều cơ hội để thể hiện mình nhưng giá trị cốt lõi của áo dài không thay đổi. Truyền thống không đóng băng, phải dùng nó một cách linh hoạt, tôn trọng bản sắc trong đa dạng, bình đẳng trong văn hóa”.
TS Lê Thị Minh Lý cũng khẳng định: áo dài ngũ thân có tính lịch sử và có niềm tự hào về một triều đại đã sáng chế ra nó; sử dụng tiện lợi, năng động, phổ biến. Chưa vội đề xuất áo dài là quốc phục, TS Minh Lý cho rằng: hãy để đông đảo người dân mặc, xuất hiện nhiều nơi, nhiều chỗ, từ đó trở thành một hiệu ứng lan tỏa cộng đồng. Bà cũng tin tưởng trong tương lai không xa, áo dài – một sáng tạo văn hóa của thời Nguyễn sẽ “tỏa sáng”, bắt đầu từ Huế. Bằng chứng là cách đây không lâu, Tri thức may, mặc áo dài Huế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/ao-dai-truyen-thong-lieu-co-the-tro-thanh-quoc-phuc-post1118202.vov