Cho phép phái nữ trong nhà trường chúng tôi gửi gắm nguyện vọng: Quy định mặc áo dài hãy áp dụng vào ngày thứ hai đầu tuần và các ngày lễ lớn, ngày hội trọng đại.
Như đã thông tin: Mới đây, ở tọa đàm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa trên nền tảng số do Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam TP.HCM tổ chức, có ý kiến về dự án đưa áo dài trở lại học đường để các thế hệ người Việt trẻ gần gũi hơn với trang phục truyền thống này.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên mặc áo dài ngày chào cờ đầu tuần hoặc những dịp quan trọng.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc Thanh Nguyễn gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Áo dài: Di sản văn hóa cần được gìn giữ
Tại buổi tọa đàm Tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa trên nền tảng số, bà Lê Tú Cẩm – chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cho biết hội đang triển khai dự án đưa áo dài trở lại với học đường.
Là người lâu nay thích mặc tà áo dài truyền thống, tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin này. Chúng tôi lao xao hỏi nhau về thực tế nhiều trường học ở TP.HCM không chọn áo dài là đồng phục.
Áo dài đẹp không? Đẹp quá!
Áo dài duyên dáng không? Rất duyên!
Trải qua bao biến động của lịch sử, tà áo dài kết tụ tinh hoa, tâm hồn, tính cách của người Việt Nam. Quốc phục của nước ta là niềm tự hào khôn xiết của bao thế hệ tôn vinh vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, mặn mà của người phụ nữ.
Tà áo dài trắng thướt tha gắn liền vẻ đẹp trong veo của nữ sinh cấp trung học phổ thông là bức tranh văn hóa mặc định trong tiềm thức của biết bao thế hệ.
Học sinh đến lớp đầu tuần mặc áo dài theo nội quy trường lớp. Giáo viên đến trường khoác đồng phục áo dài vào các ngày trong tuần.
Kế thừa, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa vững bền của di sản áo dài là trách nhiệm của mỗi người Việt hôm nay.
Và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án đưa áo dài trở lại với nhà trường trở thành đồng phục mặc định của học sinh, sinh viên.
Để tà áo dài thướt tha trên sân trường
Áo dài có nhiều khía cạnh tiện lợi khi trở thành đồng phục trong nhà trường, đúng như lời bà Tôn Nữ Thị Ninh bộc bạch: “So với trang phục dân tộc các nước khác, áo dài có lợi thế hơn như: cơ động hơn nhiều, thuận tiện trong cuộc sống hiện đại, tôn dáng người phụ nữ, nhà thiết kế dễ sáng tạo nên nhiều phong cách và màu sắc khác nhau…”.
Tuy nhiên, không thể vì thế mà trường học cứng nhắc quy định học sinh phải mặc áo dài tất cả mọi ngày trong tuần.
Điều này vô tình biến tà áo truyền thống của người Việt trở thành nỗi ngán ngại của nữ sinh, thậm chí là ám ảnh và không ít bạn nữ tìm mọi cách “lách” quy định, “né” nội quy…
Đặc trưng thời tiết ở nước ta không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Những ngày mưa tràn gió tạt, nước ngập lênh láng, hẳn là bao nữ sinh đã ao ước giá không phải mặc áo dài…
Rồi mùa hạ bỏng rát với nền nhiệt sắp sửa chạm ngưỡng 37-38 độ C, khoác lên mình bộ áo dài cùng mồ hôi đầm đìa lưng áo mới thấm thía bao nỗi niềm khó diễn tả.
Thử hình dung, đến trường dưới cái nắng bỏng rát, vừa cởi áo khoác nắng là lưng áo đã ướt đẫm. Mà suốt buổi học đâu chỉ là ngồi im nghe giảng, ghi vở, làm bài. Các em còn hoạt động, kết nối, vui chơi, trải nghiệm…
Những mảng lưng đầm đìa mồ hôi trong tà áo dài nhìn thương vô cùng!
Hơn nữa, áo dài lại luôn thiết kế ôm sát người, chất liệu vải thường mềm mại, khi mồ hôi túa ra, mảng áo ướt dính bệt vào lưng, rất bất tiện.
Áp dụng đúng chỗ tà áo dài sẽ tỏa sáng hơn…
Dẫu biết rằng, giá trị tà áo dài có giá trị rất thiêng liêng và áp dụng trong nhà trường là mục tiêu cao đẹp của ngành giáo.
Tuy nhiên, thực tế như trên đã phân tích học sinh hay cô giáo đều gặp phải những bất lợi nếu mặc áo dài suốt các ngày trong tuần, mặc từ mùa này sang mùa khác.
Vì vậy, cho phép phái nữ trong nhà trường chúng tôi gửi gắm nguyện vọng: Quy định mặc áo dài hãy áp dụng vào ngày thứ hai đầu tuần và các ngày lễ lớn, ngày hội trọng đại!
Nguồn: https://tuoitre.vn/ao-dai-dep-thuot-tha-trong-san-truong-nhung-mac-sao-cho-tien-loi-20241209082816968.htm