Khoảnh khắc của loài rẻ mỏ thìa, cò thìa mặt đen quý hiếm và choi choi vàng phổ biến… được các tác giả ghi lại tại cuộc thi ảnh “Các loài chim nước ở Việt Nam”.
Sáng 27/5, cuộc thi ảnh “Các loài chim nước ở Việt Nam” đã khai mạc triển lãm và trao giải tại TP HCM.
Trong ảnh là hai loài cò thìa – cò thìa châu Âu (trái) và cò thìa mặt đen tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) – của tác giả Lê Đức Hiền, đoạt giải nhất. Đây được xem là khoảnh khắc hiếm có và may mắn trong tự nhiên khi tác giả chụp được 2 loài khác nhau trong một khung hình. Loài cò thìa mặt đen (Black-faced Spoonbill), tên khoa học Platalea minor có mỏ màu nâu hồng nhạt và da mặt đen sậm, kích thước nhỏ hơn cò thìa Á Âu (Eurasian Spoonbill, Platalea leucorodia). Cò thìa Á Âu sinh sản ở vùng Palearctic, vào mùa đông chúng có thể di cư hoặc đi lạc vào vùng Đông Nam Á, còn loài cò thìa mặt đen sinh sản ở Đông Á và di cư trú đông ở Đông Nam Á, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao (EN) với số lượng toàn cầu hiện ước tính khoảng 4.000 cá thể. Hàng năm, chúng di cư về các vùng ngập triều ở đồng bằng sông Hồng (Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy, cửa sông Thái Bình và vùng bờ biển Nghĩa Hưng, Nam Định) với số lượng ít và là những loài cấp thiết cần được bảo vệ.
Tác phẩm Vào đời đoạt giải nhì của tác giả Nguyễn Văn Thảnh chụp cá thể le hôi còn non tại vùng ven biển thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP HCM.
Le hôi (Little Grebe,Tachybaptus ruficollis), là loài thuộc họ chim lặn (Podicipedidae), cơ thể dài 23-29 cm, loài này hay xuất hiện ở các ao hồ nước ngọt, thoạt nhìn trông giống vịt nhưng kích thước rất nhỏ hơn nhiều và không thuộc họ hàng nhà vịt, chúng thường sống thành cặp và bơi lặn rất giỏi. Chim có vòng trắng xung quanh mắt, mỏ nhỏ nhọn, phần trên tối màu với cổ màu xám nâu vào mùa không sinh sản, phần thân dưới trắng chỉ nhìn được khi bay. Các chim non có thể bơi được ngay sau khi nở, con non thường được mang trên lưng của bố mẹ chúng khi kiếm ăn.
Tác phẩm Sức sống đồng giải nhì của tác giả Vũ Minh Tuấn chụp loài Gà lôi nước Ấn Độ (Bronze-winged Jacana, Metopidius indicus). Đây là một trong những loài chim thường gặp ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Chúng thường kiếm ăn ở vùng đầm lầy với thảm thực vật gồm sen, súng hay bèo. Nhờ các ngón chân rất dài, chúng có thể đi lại dễ dàng trên các lá cây bồng bềnh trên mặt nước.
Tác phẩm Bay về nơi xa đoạt giải ba của tác giả Đặng Ngọc Sâm Thương, chụp loài Uyên ương (Mandarin Duck, Aix galericulata) tại hồ Ba Bể, Bắc Cạn.
Từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, các loài chim nước sinh sống ở vùng Bắc bán cầu lạnh giá sẽ thực hiện một quá trình bay về phương Nam để trú đông, hiện tượng này lặp đi lặp lại tạo nên mùa chim di cư, trong đó có loài Vịt uyên ương này. Loài này mặc dù khá phổ biến trên thế giới nhưng hiếm khi di cư về Việt Nam, cho đến nay chỉ ghi nhận được chúng di cư về hồ Ba Bể vào mùa đông với số lượng không nhiều.
Tác phẩm Rẽ mỏ thìa đồng giải ba của tác giả Nguyễn Mạnh Hiệp chụp tại Gò Công, Tiền Giang.
Rẽ mỏ thìa (Spoon-billed Sandpiper, Calidris pygmaea) là loài chim đang bị đe doạ tuyệt chủng ở mức cao nhất (IUCN xếp CR). Là loài chim nước di cư rất hiếm, số lượng trên thế giới còn lại vài trăm cá thể và chỉ có vài cá thể di cư đến Việt Nam mỗi năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mất sinh cảnh sống và săn bẫy chim hoang dã.
Tác phẩm Mòng bể đồng giải ba của tác giả Nguyễn Quốc Toàn (nghệ danh Lý Gia Đại), chụp tại vùng biển Rạch Giá, Kiên Giang.
Tác phẩm Vũ điệu cò được trưng bày tại triển lãm của Lê Minh Quốc, chụp loài Cò ngàng lớn (Great Egret, Ardea alba). Hình ảnh loài cò tận tuỵ lao động trong mưa nắng mang đậm nét văn hoá Việt Nam.
Tác phẩm Cộng sinh được trưng bày tại triển lãm của tác giả Nguyễn Quỳnh Dao, chụp tại vùng biển Vũng Bồi – Đề Gi, Bình Định. Bức ảnh cho thấy khoảnh khắc hiếm gặp của 2 loài (nhàn lưng đen (Bridled Tern, Onychoprion anaethetus) và Cá voi Bryde’s Whale; loài nhàn lưng đen tranh thủ lúc cá voi lùa cá vào để săn mồi. Mỗi lần cá voi xuất hiện ở Việt Nam đều thu hút giới nhiếp ảnh vì sự hiếm có của nó.
Tác phẩm Bên hoa muống biển được trưng bày tại triển lãm của tác giả Trương Huỳnh Sơn. Ảnh chụp loài Choi choi vàng (Pacific Golden Plover, Pluvialis fulva) tại vùng ven biển Đà Nẵng. Đây là một loài chim di cư phổ biến ở các vùng ven biển Việt Nam.
Cuộc thi về các loài chim nước ở Việt Nam lần đầu tiên được Vui Nhiếp ảnh – VNA, Canon – Lê Bảo Minh phối hợp với Wildtour và BirdLife tổ chức. Cuộc thi diễn ra từ ngày 3 đến 30/4, nhận được hàng trăm tác phẩm gửi về từ hơn 70 tác giả, trong đó 160 ảnh hợp lệ và có chất lượng tốt. Trong số này, hội đồng chọn và trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, trưng bày hơn 40 tác phẩm từ 27 tác giả.