Sau 3 trận đấu, cả hai cùng ghi được 2 bàn, thủng lưới 1 bàn, đạt 5 điểm. Điểm khác nhau duy nhất giữa họ chỉ là Anh nhất bảng, còn Pháp nhì bảng.
Thất vọng toàn diện
Sự khác biệt đó cũng chẳng phải là thành tích đáng tự hào của “Tam sư”. Cho đến tận những giây cuối cùng lượt trận cuối bảng C, Anh hoàn toàn có thể mất ngôi đầu bảng nếu Đan Mạch ghi 1 bàn vào lưới Serbia. Đan Mạch đã chơi áp đảo đối thủ trong phần lớn thời gian trận đấu. Và chỉ thần may mắn mới có thể cứu vớt số phận tuyển Anh. Nếu “Tam sư” nhì bảng, họ sẽ phải chạm trán Đức ở vòng 16 đội và rơi vào nhánh đấu bán kết có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp…
Người hâm mộ có thể chỉ trích HLV Southgate về những tính toán thiệt hơn bởi có không ít HLV lựa chọn lối đá an toàn nhằm đảm bảo kết quả chung cuộc. Nhưng với trường hợp của tuyển Anh, họ chơi nhạt nhòa chỉ vì… kém cỏi thực sự. Không chỉ ghi ít bàn thắng, tuyển Anh còn nằm trong nhóm những đội tấn công kém nhất giải. Xét về số lần dứt điểm, “Tam sư” chỉ có 29 cú dứt điểm, xếp thứ 17/24 đội. Số lần dứt điểm trong vòng cấm của họ chỉ có 11, xếp tận 20/24 đội. Và số đường chuyền mở ra cơ hội của tuyển Anh là 22, xếp thứ 15/24 đội.
Một chỉ số tấn công quan trọng khác là bàn thắng kỳ vọng (expected goal, viết tắt là xG). Với tuyển Anh, xG (*) của họ sau 3 trận vòng bảng chỉ là 3,42, xếp 17/24 đội. Trong khi đó, Tây Ban Nha, Đức, Pháp đều có xG lớn hơn 5. “Tam sư” rõ ràng chẳng tạo ra được bao nhiêu cơ hội ăn bàn rõ rệt.
Pháp nhỉnh hơn Anh về các chỉ số tấn công. Đặc biệt, họ đang là đội sút nhiều thứ hai của giải, với 48 lần dứt điểm sau 3 trận (chỉ kém 57 lần của Đức). Nhưng điều đó lại phản ánh một vấn đề khác của Pháp: khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn. Thực tế, 2 bàn thắng của Pháp đến từ 1 quả phạt đền (Mbappe) và 1 bàn đốt lưới nhà. Tuyển Pháp vì thế xem như chưa ghi được bàn thắng thực sự nào.
Vì đâu nên nỗi?
Đầu tiên, HLV Gareth Southgate phải chịu trách nhiệm cho lối đá vô hồn, thiếu đường nét của “Tam sư”. Thêm vào đó là cả sự bảo thủ. Trước trận gặp Slovenia, hậu vệ cánh Trippier bị dính chấn thương nhẹ. Nhưng HLV Southgate vẫn để anh chơi đến phút 84 ở vị trí trái sở trường là cánh trái (Trippier là hậu vệ cánh phải). Trippier chơi không tệ, nhưng anh rất hạn chế lên tham gia tấn công do phải đá trái sở trường và vì chấn thương cũng như vấn đề thể lực.
Đó chỉ là một trong số nhiều quyết định mang tính bảo thủ của HLV Southgate. Sự bảo thủ đó khiến việc tuyển Anh sở hữu dàn sao đắt giá nhất thế giới trở nên vô nghĩa. Palmer thay Saka ở phút 71, có 20 phút chơi bóng đầu tiên tại Euro 2024. Tương tự là Gordon thay Saka ở phút 89, ra sân 2 phút đầu tiên tại Euro. Bên ngoài sân, Toney, Gomez, Wharton vẫn mòn mỏi chờ cơ hội, dù những cầu thủ chơi ở vị trí của họ đang gây thất vọng.
Ở tuyển Pháp, HLV Didier Deschamps đã dẹp bớt sự bảo thủ của mình. Ông mạnh dạn cất Griezmann lên ghế dự bị và trao cơ hội cho tài năng trẻ Barcola. Nhưng chừng đó là không đủ. Pháp chơi nặng nề, thiếu ý tưởng, thiếu cả quyết tâm trong 3 trận vòng bảng. Người duy nhất có thừa đẳng cấp và quyết tâm ở tuyển Pháp là Mbappe lại bị dính chấn thương. Việc Pháp ghi được quá ít bàn thắng một phần đến từ sự sa sút (có thể hiểu được) của Mbappe. Dù chơi hay và năng nổ, nhưng Mbappe cũng bỏ lỡ ít nhất 3 cơ hội.
Pháp phải trả giá cho sự nhạt nhòa khi giờ đây phải nằm cùng nhánh bán kết với Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Anh may mắn hơn, vẫn giữ được ngôi đầu và rớt sang nhánh ít đại gia. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi cả hai cứ chơi bóng như thế này.
Từ Georgia, Romania cho đến Thụy Sĩ, những nền bóng đá kém thực lực xa so với Anh và Pháp đã mang bầu không khí lễ hội đến Euro 2024. Trái lại, hai đội bóng đắt giá nhất giải đấu chỉ khiến người hâm mộ ngán ngẩm. “Tẻ nhạt, chán ngắt, chẳng có gì lý thú” – tờ Daily Mail giật tít về màn trình diễn của tuyển Anh.
(*) Chỉ số bàn thắng kỳ vọng xG là thước đo khá mới của làng bóng đá. Nó dựa trên thống kê về khả năng chuyển hóa thành bàn của những cú dứt điểm khác nhau. Ví dụ: xG của 1 quả đá phạt đền là 0,76, 1 pha sút cận thành là 0,5. Nếu trong trận đấu đó tuyển Anh được hưởng 1 quả phạt đền, có 1 lần dứt điểm cận thành và không còn cơ hội ăn bàn nào khác, xG cả trận của họ là 1,26.
Nguồn: https://tuoitre.vn/anh-va-phap-khien-khan-gia-nan-long-20240627101553177.htm