(Dân trí) – Hiệp định Geneve đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ ở Đông Dương.
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Hội nghị Geneve.
Hiệp định Geneve đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ ở Đông Dương.
Dân trí xin giới thiệu đến bạn đọc loạt ảnh tư liệu quý được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 sưu tầm, lưu trữ về Hội nghị Geneve 1954.
Thu – Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cho ra đời Kế hoạch Nava. Trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào, với mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của Việt Nam, tiến tới kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương.
Ảnh: Tướng Na-va, tướng Cô-nhi, tướng Đờ-ca-xtơ-ri họp bàn kế hoạch xây dựng trận địa phòng thủ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, năm 1953 (Ảnh gốc lưu trữ tại Bộ Quốc phòng Pháp).
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp họp bàn quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 12/1953 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3).
Quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên, nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được coi là “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh” (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3).
Với cố gắng của Liên Xô trong việc chủ động vận động Mỹ, Anh, Pháp họp hội nghị 5 nước có Trung Quốc tham gia để bàn cách giảm tình hình căng thẳng ở Đông Dương, ngày 18/2/1954, 4 nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp ở Béclin ra thông báo sẽ triệu tập Hội nghị Geneve (Genève, Thụy Sỹ).
Ảnh: Quang cảnh nhìn ra Cung Quốc gia tại Geneve nơi diễn ra lễ khai mạc Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao từ 24 đến 27/4/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneve chính thức khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ , chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào.
Ảnh: Các thành viên đoàn đại biểu Liên Xô tại sân bay Giơnevơ ngày 26/4/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp GL. Bi-đô bước vào phòng họp tại Cung Quốc gia Geneve ngày 2/4/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Đ.PH. Đa-lét – trưởng đoàn đại biểu Mỹ – bước vào Cung Quốc gia ngày 26/4/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Các nhà báo quốc tế tại sân bay Geneve, chờ đợi ghi hình các đoàn đại biểu tới dự Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ngày 26/4/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, thời điểm bước ra khỏi cầu thang máy bay tại sân bay Geneve tháng 5/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneve, năm 1954 (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Nhân dân Thái Nguyên mít tinh hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị Geneve năm 1954 (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Quang cảnh Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao tại Geneve trước lúc khai mạc phiên toàn thể tháng 4/1954 ( Nguồn: Viện lưu trữ chính sách đối ngoại Liên Bang Nga).
Ngày 7/5/1954, ta đánh chiếm hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Ngày 8/5/1954, một ngày sau khi bị đại bại ở Điện Biên Phủ, Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị.
Ảnh: Đại diện Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam DCCH Tạ Quang Bửu ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương tại Cung Quốc gia (Thụy Sỹ), tháng 7/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Đại diện Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, tại Cung Quốc gia (Thụy Sỹ) tháng 7/1954 (Nguồn: Viện Lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Toàn cảnh phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ở Geneve (Thụy Sỹ), tháng 7/1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Men-đét Phơ-răng gặp gỡ đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi bế mạc hội nghị, ngày 21/7/1954 (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Tại cuộc gặp với báo chí, Phó Thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng phát biểu về việc thống nhất Việt Nam và quan hệ Việt – Pháp sau khi Hội nghị Geneve kết thúc, ngày 22/7/1954 (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneve, năm 1954 (Nguồn: Viện lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga).
Hiệp định Geneve đã góp phần cùng với chiến thắng của các cuộc tiến công Đông Xuân 1953 – 1954 trên toàn chiến trường cả nước và ba nước Đông Dương, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ ở Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia, Lào.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn Ủy ban liên hợp Quốc tế giám sát đình chỉ chiến sự tại Trung Giã (Thái Nguyên) tháng 8/1954 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3).
Phái đoàn quân sự của Ủy ban quốc tế kiểm soát thi hành đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đến địa điểm Trung Giã (Thái Nguyên) để giám sát quá trình đình chiến giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng viễn chinh Pháp, tháng 8/1954 (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3).
Dantri.com.vn