Sau khi thông tin về tour đêm của Vườn quốc gia được đăng tải trên fanpage đã lập tức nhận về đông đảo sự quan tâm của khách du lịch.
Theo ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Cúc Phương, đây là sản phẩm tour du lịch giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống thiên nhiên hoang dã, qua đó còn nhằm giáo dục mọi người về việc tôn trọng môi trường, thiên nhiên và lan tỏa trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, đơn vị đã nhận rất nhiều liên hệ của du khách tìm hiểu về thông tin đăng ký tham gia tour.
Ông Phạm Kiên Cường chia sẻ: “Từ thời điểm ra mắt tour đêm, mỗi ngày Vườn quốc gia đón gần 20 đoàn đến trải nghiệm. Tuy nhiên, mỗi buổi chỉ khoảng 100 du khách để bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của các loài động thực vật. Khách chỉ được phép tham quan khu vực bìa rừng theo một vòng tròn, không đi vào vùng lõi”.
Tour đêm tham quan rừng Cúc Phương được tổ chức từ 19 giờ đến 22 giờ, tất cả các ngày trong tuần, di chuyển bằng xe điện đoạn đường dài 5km, mỗi xe 10 người. Thời gian mỗi tour khoảng 1 tiếng, tour cuối khởi hành lúc 20 giờ 45 phút.
“So với ban ngày, trải nghiệm tour đêm sẽ là một hành trình vừa khác biệt nhưng cũng không kém phần đặc sắc”, ông Cường nhận định.
Ngoài việc tìm hiểu về hệ sinh thái tự nhiên, tận hưởng không gian yên bình, trong trẻo trong cung đường xuyên rừng dài khoảng 5km, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống về đêm của các loài động vật hoang dã tại Cúc Phương.
Khách du lịch sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng các loài thú như: nai, heo rừng, hoặc may mắn hơn có thể quan sát được các loài quý hiếm như tê tê, cầy vằn, cầy mực, mèo rừng, rái cá, culi….
Và cũng vì là ban đêm, nên các hoạt động của các loài thú săn mồi trong điều kiện tự nhiên hoang dã thế này là thứ mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng được nhìn thấy.
Khi tour được đưa vào triển khai, cũng đã có một số ý kiến băn khoăn về công đoạn bảo đảm an toàn cho du khách khi có thể gặp phải một số loại động vật nguy hiểm như rắn, rết…
Trước vấn đề này, đại diện đơn vị, ông Phạm Kiên Cường cho biết: “Cúc Phương là một khu rừng nguyên sinh có hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Vậy nên trong quá trình tham gia trải nghiệm đôi khi chúng ta có thể quan sát các động vật hoang dã như sơn dương, hoẵng, lợn rừng, cầy, culi, mèo rừng hay gà lôi,… hay cũng có thể bắt gặp một số nhóm bò sát, côn trùng như rắn hay rết… Tuy nhiên dưới sự dẫn dắt của hướng dẫn viên tại Vườn – một đội ngũ chuyên nghiệp đều xuất thân từ lâm nghiệp, đã trải qua các lĩnh vực công tác khác nhau như kiểm lâm, nghiên cứu khoa học… thì du khách hoàn toàn yên tâm và thoải mái tham gia trải nghiệm”.
“Để tham gia trải nghiệm Quý du khách cần liên hệ trước để bộ phận Lễ tân của Vườn sắp xếp lịch trình và bố trí hướng dẫn viên cho đoàn du khách. Khi tham quan xem thú đêm tại rừng Cúc Phương, du khách cần lưu ý chuẩn bị tư trang cá nhân và đồ dùng cần thiết như: quần áo dài, thuốc chống muỗi, có thể mang theo ống nhòm, máy ảnh để dễ dàng quan sát và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ”, ông Cường nói thêm.
Hiện tại tour du lịch đêm đã hoạt động từ ngày 4/5 và mở cửa liên tục tất cả các ngày trong tuần để đông đảo du khách có thể tham gia trải nghiệm.
Vườn Quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với diện tích hơn 22.408ha.
Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Cúc Phương đang sở hữu nhiều danh hiệu quan trọng, nổi bật nhất là 5 năm liên tiếp được World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á (2019, 2020, 2021, 2022 và 2023). Đây là minh chứng cụ thể cho những giá trị đa dạng sinh học và những nỗ lực bảo tồn, đồng thời lý giải nguyên nhân những tour du lịch khám phá vườn Cúc Phương lại thu hút du khách đến thế.
Nguồn: https://nhandan.vn/anh-tour-dem-moi-la-tai-vuon-quoc-gia-cuc-phuong-post808450.html