Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn. Hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông,… cùng nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín.
Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm (tổng cộng 111,32km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46km của 7 tuyến đường vành đai.
|
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối Km4+312,62 (giao với đường Long Biên – Thạch Bàn, đường Cổ Linh). |
|
Không chỉ có giá trị trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội, với hệ thống đèn chiếu sáng khoảng 600 cột được lắp đặt, cầu Vĩnh Tuy còn là một công trình có giá trị về cảnh quan đô thị của Thủ đô Hà Nội. |
|
Dự án đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. |
|
Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Dự án nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. |
|
Việc đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 2 trên cao được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến, tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến, gia tăng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ của nhân dân trong khu vực. Đồng thời, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hoàn thiện theo quy hoạch một trong những tuyến đường Vành đai nội đô quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố. |
|
Ngày 30/6/2023, cầu vượt chữ C nối phố Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) chính thức thông xe. Cầu dài hơn 300 m, rộng 9 m, vốn đầu tư 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Công trình nhằm nâng cao năng lực giao thông qua ngã tư Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch – Tôn Thất Tùng – Đông Tác, giải quyết tình trạng ùn tắc lâu nay. |
|
Ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) đan xen đường mặt đất thông thường, hầm chui, đường cao tốc trên cao và đường sắt đô thị ở 4 tầng riêng biệt, tạo thành nút giao bề thế, hiện đại bậc nhất ở thủ đô Hà Nội. |
|
Tầng trên cùng là đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tầng thứ 2 là đường vành đai 3 với thiết kế là đường cao tốc trên cao để kết nối từ Mai Dịch tới nút giao Pháp Vân và đường dẫn lên cầu Thanh Trì. Tầng giữa là đường bộ mặt đất thông thường, điểm giao cắt giữa đường Nguyễn Trãi và đường Khuất Duy Tiến. Tầng dưới cùng là hầm chui Thanh Xuân, đi vào hoạt động từ năm 2016. Hầm chui giúp giải quyết điểm thắt giao thông trên đường Nguyễn Trãi – cửa ngõ vào trung tâm ở phía Tây Nam Hà Nội, nơi có số phương tiện lưu thông đặc biệt lớn. |
|
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống mạng lưới Đường sắt đô thị Hà Nội, có tổng chiều dài là 13,05km với 12 ga trên cao, với hướng tuyến từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) và kết thúc ở ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người một đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/giờ, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết 23 phút. |
|
Từ đầu tháng 9 năm 2022, để phục vụ nhu cầu của hành khách lên cao, Hanoi Metro đã tăng thêm 2 đoàn tàu, nâng tổng số lên 9. Trong khung giờ cao điểm, cứ 6 phút lại có một chuyến tàu thay vì tần suất 10 phút một chuyến như trước. Trong năm nay, dự kiến tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông phục vụ hơn 10,6 triệu lượt khách với hơn 81.300 lượt tàu. |
|
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại, nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, tạo nên một tuyến cao tốc nội đô hiện đại, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội. Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô cũng như tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân. Mặt cầu rộng 43,2m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy, 2 làn xe buýt phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9km và có đường dẫn 5,27km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 2,5km. |
|
Đại lộ Thăng Long là tuyến đường thuộc đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh. Chiều dài toàn tuyến là 30km, nằm gọn trong địa giới thành phố Hà Nội. Được thông xe vào tháng 10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đại lộ Thăng Long góp phần quan trọng hoàn chỉnh giao thông của cả vùng, kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nam với Hà Nội; kết nối giữa các khu đô thị, khu công nghiệp, các huyện, thị xã phía Tây với trung tâm thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng-an ninh. |
|
Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài 1,5km, kết nối với đường Cổ Linh, tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các phương tiện tham gia giao thông kết nối ra, vào nút giao được thuận lợi, an toàn, rút ngắn hành trình và đồng bộ mạng lưới đường giao thông, phát huy tối đa hiệu quả của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường Cổ Linh. |
|
Nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Phạm vi nút giao theo hướng đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng bắt đầu từ Km0 – 420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại Km1 + 065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1) có chiều dài 1,5km. |
|
Nút giao Long Biên – Nguyễn Văn Cừ có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giao thông thông các tuyến cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô với Quốc lộ 5, đường 5 kéo dài. Đây cũng là trục giao thông chính phục vụ các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng, khép kín đường vành đai 2 đoạn phía Đông Bắc thành phố. |
|
Nút giao nút giao Long Biên – Nguyễn Văn Cừ được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), có tổng mức đầu tư 2.847 tỷ đồng. Dự án có hạng mục chính là cầu vượt qua vòng xuyến gồm 6 làn xe theo hướng đường Nguyễn Văn Linh – đường 5 kéo dài, tổng chiều dài hơn 800m, vận tốc thiết kế 80km/gih. |
|
Hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu là công trình giao thông trọng điểm, được thông xe vào dịp chào mừng 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023). Dự án có chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m, trong đó, phần hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dài 380m với 4 làn xe. |
|
Hầm chui Lê Văn Lương – Tố Hữu là hầm chui thứ tư của Hà Nội, trước đó hầm Kim Liên – Xã Đàn khánh thành năm 2009, kết nối đường Trần Khát Chân và Kim Liên, Xã Đàn thuộc vành đai 1. Hầm chui Trung Hòa kết nối đường Trần Duy Hưng với đại lộ Thăng Long và hầm nút giao Thanh Xuân (giữa đường Nguyễn Trãi với vành đai 3) cùng đưa vào sử dụng năm 2016. |