Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là văn kiện lịch sử chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc. Thấm nhuần Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước được tổ chức rộng khắp, liên tục… trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung sức đồng lòng tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những phong trào thi đua đó đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Từ trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực.
76 năm đã trôi qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, thúc giục tinh thần thi đua yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng niu những điều giản dị nhất để đúc kết lên những vấn đề sâu xa, rộng lớn của tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, niềm tin, ý chí và hành động của cả một dân tộc. Tư tưởng thi đua ái quốc trong Lời kêu gọi của Người ở mọi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc luôn mang tính thời sự nóng hổi, luôn cần được quán triệt, học tập và thực hành sâu rộng.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Việt Nam – Khát vọng vươn xa là chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Dòng chảy âm nhạc sâu lắng sẽ bồi đắp cho các thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng và tinh thần cống hiến, góp phần tạo nên những phát triển đột phá trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chương trình “Việt Nam- Khát vọng vươn xa” do báo Văn hóa phối hợp tổ chức. Ảnh: TH
Với 3 phần Người đi tìm hình của nước, Lời kêu gọi ái quốc, Kiến thiết và xây dựng Tổ quốc, chương trình đã tạo nên một không gian nghệ thuật với nhiều cung bậc cảm xúc mà mạch nguồn là tình yêu quê hương đất nước, khát vọng cống hiến, là sự biết ơn và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ – vị cha già dân tộc.
“Qua chương trình, chúng ta sẽ cùng nhìn lại dấu mốc lịch sử 76 năm về trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sự thay đổi của đất nước hôm nay, để khơi dậy niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, khí phách hào hùng, ý chí tự lực tự cường, thi đua xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, dưới sự lãnh đạo của Đảng”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ khẳng định.
Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn đầy cảm xúc khi hát về Bác Hồ
Trong chương trình, những bài hát, giai điệu đi cùng năm tháng đã một lần nữa được cất lên qua giọng ca của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Từ bản mashup Đất nước Lời ru – Giai điệu Tổ quốc mở đầu chương trình với sự song ca của NSƯT Tân Nhàn – Hoàng Tùng, đến những giai điệu ngọt ngào, gần gũi và chất chứa nhớ thương bóng hình vị cha già dân tộc như Dấu chân phía trước (ca sĩ Trọng Tấn – Hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và vũ đoàn Selena), Từ Làng Sen (NSƯT Tân Nhàn và Vũ đoàn Selena), Miền Nam nhớ mãi ơn Người (ca sĩ Anh Thơ và Vũ đoàn Selena), Người đi tìm hình của nước (NSND Quốc Hưng, ca sĩ Hà My, Hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và vũ đoàn Selena).
Phần II của đêm nhạc Lời thi đua ái quốc được mở đầu với những thước phim phóng sự về Toàn quốc kháng chiến – Bước chuyển lớn của cách mạng Việt Nam; cùng những khúc ca cách mạng, ngợi ca tình yêu Tổ quốc và tinh thần cống hiến, tự nguyện chiến đấu, xây dựng đất nước. Đó là Tiếng hát trên đường quê hương (nhóm Đồng Xanh), Hát cho dân tôi nghe (NSƯT Hoàng Tùng), Ngày mùa (nhóm Đồng Xanh và nhóm Thiên Thanh), Bình Trị Thiên khói lửa (NSND Quốc Hưng- Hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và vũ đoàn Selena), Tự nguyện (NSƯT Lan Anh – CLB thiếu nhi Sao Tuổi thơ Hà Nội).
Những giai điệu mang nhịp điệu của ngày mới, tươi sáng, hào hùng trong phần III của đêm nhạc – Kiến thiết và xây dựng Tổ quốc đã mang đến những xúc cảm phấn khởi, khơi dậy khát vọng cống hiến ở mọi thế hệ người dân Việt Nam. Bài ca xây dựng (nhóm Thiên Thanh), Một vòng Việt Nam (ca sĩ Thu Thủy và Vũ đoàn Selena), Khát vọng tuổi trẻ (NSƯT Ploong Thiết – nhóm Thiên Thanh), Đường chúng ta đi (ca sĩ Trọng Tấn, Hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Vũ đoàn Selena) vang lên như những khúc ca thúc giục thế hệ hôm nay ra sức thi đua, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.
TS. NSƯT Tân Nhàn không giấu được xúc động khi tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật Việt Nam – Khát vọng vươn xa. Nữ ca sĩ bày tỏ: “Vẫn là những bài hát cũ, những nhạc phẩm nằm lòng với người yêu nhạc trữ tình, cách mạng nhưng khi đặt vào chương trình nghệ thuật Việt Nam – Khát vọng vươn xa với bản phối mới, các ca khúc mang sức hấp dẫn, hơi thở đương đại với những cảm xúc tự hào về đất nước, dân tộc. Các ca khúc ngân vang thể hiện khát vọng về một tương lai tươi đẹp, thịnh vượng của đất nước. Đó cũng là lời thúc giục đến mọi người dân Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, ở đâu hãy cùng ra sức thi đua, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước theo đúng ý nguyện của Người”.
Cũng theo NSƯT Tân Nhàn, đêm nghệ thuật đã dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ xúc động đến rơi nước mắt khi lắng nghe những giai điệu “tạc hình đất nước” cho đến một Việt Nam vững bước, hiên ngang đi qua chiến tranh, khi nghe Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không đơn thuần là một chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện chính trị, Việt Nam – Khát vọng vươn xa là tiếng lòng yêu nước của hàng triệu người con đất Việt trong dọc dài hành trình hàng ngàn năm dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước.
Không nhớ đã bao nhiều lần tham gia những chương trình nghệ thuật về Bác nhưng với NSƯT Hoàng Tùng, mỗi lần cất tiếng hát về Người, trong anh luôn thổn thức sự rung cảm. Nam nghệ sĩ chia sẻ, hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vinh dự mà còn là hạnh phúc với mỗi người nghệ sĩ. Sự trào dâng cảm xúc còn đến khi khán giả cùng ngân vang những giai điệu về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hát về Người, nếu không kìm nén cảm xúc, chắc hẳn nhiều nghệ sĩ sẽ bật khóc!
Với màn kết hợp cùng NSƯT Tân Nhàn qua bản mashup Đất nước lời ru – Giai điệu Tổ quốc, NSƯT Hoàng Tùng cho biết, một Việt Nam tươi đẹp được hiện lên với tất cả sự tự hào về một dải non sông. Để có được một Việt Nam với tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày hôm nay, cả dân tộc đã không ngừng phấn đấu, thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người.
Các tiết mục trong chương trình được dàn dựng công phu, nghệ thuật. Ảnh: TH
76 năm về trước, Lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, quy tụ sức mạnh của lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc; tạo nên một phong trào hành động thiết thực của toàn dân, huy động mọi lực lượng, mọi sáng kiến và tài năng của toàn dân vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Thực hiện Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.
76 năm đã trôi qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân. Từ những phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực đã góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; chung sức, đồng lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt những chặng đường lịch sử đó, nhiều phong trào thi đua đã tạo nên tiếng vang lớn. Các phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng” “Năm xung phong”… xuất hiện ngay trong những ngày đầu phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.
Hay các phong trào “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Thanh niên Ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”… đã xuất hiện trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”… được thực hiện trong thời kỳ đổi mới.
Nguồn: https://danviet.vn/anh-tho-trong-tan-lan-anh-day-cam-xuc-khi-hat-ve-bac-ho-20240606100559812.htm