Thành công không tự nhiên đến
Anh Võ Hoàng Sơn (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định) là tấm gương đại diện của nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Theo anh Sơn, năm 2000, anh học nghề để làm thợ may, thế nhưng nghề may ngày càng hết thời ở vùng nông thôn, nên anh không bén duyên lâu với kim, chỉ; chuyển sang tập trung phụ giúp gia đình chăn nuôi gia cầm.
“Tôi chuyển qua nuôi gà vì thấy nghề may lúc đó “thất thế”, người dân bắt đầu chuộng đồ may sẵn theo công nghiệp, thời trang hơn mà giá cả rẻ hơn”, anh Sơn nói.
Năm 2007, anh Sơn dồn cả tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, vay thêm vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuy Phước, để khởi nghiệp với mô hình sản xuất gà giống.
Nhờ vào kinh nghiệm phụ giúp gia đình chăn nuôi, anh Sơn thành công từ lứa gà đầu tiên, con giống khỏe mạnh. Chỉ 1 năm sau, anh Sơn thuê thêm mảnh đất 2.000m2 xây dựng chuồng trại nuôi 2.000 con gà giống bố, mẹ.
Cùng với đó, anh Sơn từng bước nâng cấp hệ thống 2 máy ấp nở theo công nghệ hiện đại, năng suất trên 50.000 trứng/máy. Hiện cơ sở ấp nở con giống của gia đình anh Sơn cho lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
“Ban đầu, tôi nuôi gà thịt nhưng thấy nhu cầu gà giống cao nên mới nghiên cứu thêm. Ngày đó, cũng chẳng tạo giống gì, chủ yếu lấy trứng gà trong các hộ dân ở địa phương nên hiệu quả không cao, sức đề kháng con giống yếu. Sau đó, tôi mới nghiên cứu lai tạo ra giống gà hiệu quả hơn, quá trình chọn được giống gà ưng ý cũng phải mất 5-7 năm”, anh Sơn nói.
Ngoài cung cấp gà giống, từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu sử dụng tổ yến nhiều, anh Sơn đầu tư tiền tỷ xây dựng 2 nhà nuôi chim yến tại địa phương. Thu nhập từ yến mỗi năm trên 150 triệu đồng.
“Nếu không chịu ảnh hưởng của Covid-19, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đôi lúc tôi cũng không nghĩ mình có được thành quả như ngày hôm nay, song ngẫm lại thì không có thành công nào tự nhiên mà có”, anh Sơn bộc bạch.
Giúp nông dân thoát nghèo bền vững
Theo anh Sơn, để có thành công này, anh không ngừng học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm từ nhiều kênh; tham quan các mô hình hay để học hỏi kinh nghiệm; tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh…
Tuy nhiên, anh Sơn cũng cho rằng nghề chăn nuôi cũng như nghề nông, “được mùa thì mất giá”. Người chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá cám cao, trong khi giá gà thấp. Người chăn nuôi không mặn mà, kéo theo các trại cung cấp gà giống cũng ảnh hưởng.
“Một con gà từ lúc nuôi đến lúc bán, chi phí tốn 55.000 đồng, nhưng khi bán chỉ 45.000 đồng thì chẳng ai dại mà nuôi. Trước đây, bình quân 1 ngày tôi xuất bán 2.000 con gà giống thì nay chỉ còn 300 con”, anh Sơn nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Nghĩa, không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, anh Sơn còn là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và công tác từ thiện xã hội tại địa phương.
Rất nhiều hộ dân ở địa phương được anh Sơn nhiệt tình tư vấn cách nuôi, chăm sóc gà. Anh Sơn còn hỗ trợ 10 hộ khó khăn cho vay vốn bình quân 10-20 triệu đồng/hộ không lấy lãi để đầu tư sản xuất, qua đó đã giúp 5 hộ nghèo và cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, anh Sơn còn tiên phong hiến 100m2 đất ruộng để bê tông hóa kênh mương nội đồng. Hàng năm, đóng góp ít nhất 15 triệu đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học ở địa phương.
Với những kết quả trên, năm 2022, anh Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022. Đặc biệt, anh Sơn còn vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là một trong số 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.