Sau 7 năm bắt tay vào công việc sản xuất chế biến chè, đến nay anh Dương Ngọc Hoàng (xóm Vân Hòa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) có doanh thu 3 tỷ đồng mỗi năm nhờ làm chè.
Trải qua nhiều ngành học khác nhau từ điện, cơ khí rồi đến nhiếp ảnh, mỗi thứ một chút. Vốn gia đình có nghề kinh doanh chè, nên ngày từ khi còn nhỏ anh Hoàng đã phụ giúp mẹ đi giao chè ở tận Tân Cương, TP.Thái Nguyên. Do đó, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều nghệ nhân làm chè và theo học nghề từ họ.
Năm 2010, anh Hoàng kết hôn, đến năm 2017 anh đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất chế biến chè. Thời điểm đó, anh bắt tay vào làm chè đinh và đã thành công nên anh quyết định gắn bó với mô hình sản xuất chế biến chè.
Theo anh Hoàng, để cho ra được sản phẩm chè ngon thì khâu chọn giống, chăm sóc và thu hái rất quan trọng. Trong đó, giống chè được anh Hoàng lựa chọn là giống chè trung du và chè lai DT1. Hai giống chè này thích hợp trồng ở độ dốc từ 25 – 30 độ, phù hợp với những đồi núi có đất nguyên thổ và được nắng nhiều.
Anh Hoàng chia sẻ, sau khi thu hái chè về phải đưa vào diệt men luôn để đảm bảo quy trình và không làm giảm chất lượng của chè. Với chè hái vào buổi sáng thì thời gian diệt men không để qua 13 giờ, còn chè hái buổi chiều nếu diệt men sau 19 giờ cũng không đảm bảo chất lượng.
“Xưởng sản xuất chè của gia đình tôi nằm trong vùng nguyên liệu chè của xã Văn Hán có tổng diện tích 1.000ha, trong đó có 100ha chè hữu cơ. Bên cạnh việc thu mua chè của bà con trong vùng, gia đình tôi còn liên kết với khoảng 15 – 20 hộ dân trồng chè để có đủ nguyên liệu sản xuất”, anh Hoàng cho biết.
Năm 2024, anh Hoàng đầu tư xây dựng nhà xưởng mới rộng 600m2 trên diện tích đất đã mua trước đó để sản xuất, chế biến chè với chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Cùng với đó, anh Hoàng đầu tư thêm lò tôn ống sao chè hiện đại có công suất lớn với chi phí 260 triệu đồng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày anh Hoàng tiêu thụ từ 3 – 5 tạ chè tươi cho bà con, thì nay với máy sao chè mới trung bình mỗi giờ có thể diệt men từ 1,2 – 1,4 tạ chè tươi gấp 6 – 7 lần công suất của máy sao chè cũ.
Ưu điểm của lò sao chè mới bằng tôn ống này là giảm nhân công lao động, đồng thời và trong quá trình sao sấy không bị nóng như lò sao chè cũ, chè rải đều, giảm độ hao của chè, do đó chè khi sao ra rất mềm, thơm, chất lượng chè được nâng lên. Cùng với đó, với lò sao chè này sẽ giúp tiết kiệm lượng củi lên tới 50% so với lò sao chè cũ trước đây anh Hoàng sử dụng. Tuy nhiên đòi hỏi người phải có tay nghề cao, điều tiết được nhiệt độ phù hợp, không chè rất dễ bị hỏng.
Chỉ cần hai nhân công có tay nghề thành thạo là trung bình mỗi ngày xưởng của anh Hoàng có thể sản xuất được khoảng 1 tạ chè khô. Với công suất như vậy, trung bình mỗi năm, xưởng của anh Hoàng sản xuất được khoảng 10 tấn chè búp khô các loại mang về doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Hiện nay, anh Hoàng đang chế biến và sản xuất khoảng 3 – 4 loại chè với giá dao động từ 300.000 – 1 triệu đồng/kg. Chè được anh Hoàng chủ yếu bán buôn cho các thương lái tại chợ trên địa bàn xã Văn Hán. Theo anh Hoàng, bán buôn sẽ được giá và sản lượng bán ra mỗi ngày lớn hơn.
Với quy mô sản xuất như hiện nay, xưởng sản xuất chè của anh Hoàng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 – 7 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình khoảng 200.000 – 250.000đ/ngày. Lúc cao điểm, có thể lên tới 50 – 60 lao động thời vụ.
Mong muốn của anh Hoàng trong thời gian tới sẽ được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác, HTX sản xuất chế biến chè nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thị, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/anh-nong-dan-thai-nguyen-dung-cong-nghe-gi-de-sao-che-giam-nhan-cong-tang-cong-suat-gap-6-lan-20240911224131963.htm