SGGP
Ngày 30-7, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam thông báo với nỗ lực ngăn chặn các đường dây đưa người sang Anh bất hợp pháp, Chính phủ Anh vừa ban hành Luật Phòng chống di cư trái phép. Luật mới được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn các tuyến đường di cư bất hợp pháp, nguy hiểm vào Anh.
Theo đó, những người di cư bất hợp pháp sẽ không được ở lại Anh mà bị đưa về nơi xuất phát hoặc một nước thứ ba an toàn. Luật này cũng ngăn ngừa việc lạm dụng các cơ chế bảo hộ của Anh đối với người nhập cư theo các quy định pháp luật phòng, chống nô lệ hiện đại và bao gồm điều khoản để người nhập cư không được sử dụng các công cụ pháp lý cản trở việc trục xuất. Luật cũng thiết lập các biện pháp chặt chẽ hơn trong việc đánh giá độ tuổi, tránh việc mất nhiều thời gian tranh cãi về độ tuổi và ảnh hưởng tới quá trình trục xuất những người được đánh giá ở tuổi trưởng thành. Những người đến Anh bất hợp pháp sẽ không được quay trở lại Anh và không được xin định cư hay quốc tịch sau này, trừ những trường hợp đặc biệt…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, bà Suella Braverman, cho biết Luật Phòng chống di cư trái phép là cột mốc quan trọng trong kế hoạch của Chính phủ Anh nhằm chấm dứt tình trạng di cư bằng thuyền hơi và các con đường nguy hiểm, bất hợp pháp vào Anh. Các cơ quan chức năng của Anh đang lên kế hoạch triển khai luật từ tháng 9. Chính phủ Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ những người cần được bảo vệ nhập cư an toàn và hợp pháp. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ Anh sẽ tham vấn các cơ quan địa phương và các tổ chức liên quan để nắm được quy mô, năng lực tiếp nhận và hỗ trợ người nhập cư hợp pháp. Quốc hội sẽ quyết định số lượng người được hỗ trợ mỗi năm. Số lượng này sẽ được xem xét lại hàng năm.
Các hoạt động di cư trái phép khiến người di cư dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Mua bán người được Liên hợp quốc nhận định là 1 trong 4 loại hình tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và được đưa vào Chương trình Phòng chống tội phạm thế giới từ năm 2013. Liên hợp quốc đã chọn ngày 30-7 là ngày Thế giới Phòng chống mua bán người.