Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Trong 24 giờ qua (từ 13 giờ ngày 27 đến 13 giờ ngày 28.5), mưa to (50mm) đến rất to (100mm) xảy ra ở nhiều nơi ở miền Nam. Cụ thể, Phú Tân (Cà Mau) 129,2mm, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) 107,8mm, Hội An (An Giang) 100,6mm, Tam Thôn Hiệp (TP.HCM) 70,6mm, Vị Thanh 85,8mm, Sóc Trăng 75,8mm, U Minh (Cà Mau) 77,4mm, Giồng Riềng (Kiên Giang) 71mm…
Dự báo đến hết ngày 29.5, khu vực Nam bộ tiếp tục có mưa rào và giông xảy ra trên diện rộng, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, cục bộ có mưa rất to. Cụ thể, khu vực miền Đông có nơi trên 70mm, miền Tây có nơi trên 90mm.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: Dù bão Mawar (Betty) ở cách Việt Nam khá xa nhưng do đây là siêu bão với sức gió mạnh nhất lên 225 km/giờ nên kích thích gió mùa tây nam hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, rãnh thấp xích đạo (cung cấp nguồn ẩm) cũng dịch chuyển lên phía trên gần Nam bộ hơn. Những yếu tố này gây mưa to nhiều nơi ở Nam bộ trong mấy ngày qua.
Theo các mô hình dự báo của Nhật Bản và Mỹ, bão sẽ không vào Luzon (Philippines) và Đài Loan nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn cho những nơi này. Có khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến Nhật Bản.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Trong đêm 28 ngày 29.5, ở khu vực từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 – 8.
Cảnh báo: Đêm 29 ngày 30.5, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 – 9; độ cao sóng 2 – 4m; biển động mạnh.
Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.