Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham), Công ty Prudential Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Trái phiếu xanh & Đầu tư chuyển đổi tại Việt Nam” nhằm thu thập ý kiến phản hồi về cách thức hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Ông Tom Thornley, Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo. (Nguồn: Đại sứ quán Anh tại Hà Nội) |
Nói về sự tham gia của Chính phủ Anh trong Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), ông Tom Thornley, Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội thông tin, tháng 3 vừa qua, Vương quốc Anh đã thiết lập mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu thông qua phát thải ròng bằng không và chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu theo hướng tích cực với môi trường.
“Yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này chính là các mối quan hệ hợp tác lâu dài và sâu sát giữa các quốc gia. Điển hình như mối quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, hoạch định chính sách và cả lĩnh vực tài chính”, ông Tom Thornley chia sẻ.
Theo ông Tom, Vương quốc Anh và Việt Nam có nhiều quan điểm tương đồng trong vấn đề khí hậu. Cả hai bên đều hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. “Vương quốc Anh rất sẵn lòng đồng hành cùng các quốc gia có chung tầm nhìn. Chúng tôi đã tăng gấp đôi nguồn ngân sách tài trợ khí hậu quốc tế lên 11,6 tỷ bảng Anh để hỗ trợ các nước trong giai đoạn từ nằm 2021 đến năm 2026. Với khoản ngân sách này, Vương quốc Anh đang giúp đỡ các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu và hiện thực hóa tham vọng đạt phát thải ròng bằng không”, ông Tom Thornley nói thêm.
Tại Hội thảo, các bên liên quan trong thị trường trái phiếu xanh như các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, công ty chứng khoán, ngân hàng địa phương, cơ quan xếp hạng tín dụng và đơn vị quản lý tài sản của Prudential Việt Nam – Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Việt Nam – đã chia sẻ những thông tin, bài học từ các trở ngại và rào cản ở thị trường trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), từ đó rút ra những kinh nghiệm cho quá trình thúc đẩy tăng trưởng của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Trong phần phát biểu về Tình hình Thị trường Tài chính Bền vững năm 2022 tại ASEAN và Việt Nam, ông Chi Xiang Wong, Chuyên gia phân tích cấp cao về ASEAN của Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) – một tổ chức huy động vốn toàn cầu cho hoạt động chống biến đổi khí hậu, nhận định rằng việc đa dạng hóa phát hành trái phiếu xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trong khu vực.
Sự quan tâm của các bên liên quan trong lĩnh vực này ngày càng lớn, trong đó có các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý và ngành tài chính, với những sáng kiến và nỗ lực hỗ trợ về tài chính bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
“CBI nhận thấy đã có rất nhiều sáng kiến của các nhà hoạch định chính sách – đơn cử như các hướng dẫn được Ngân hàng Trung ương ban hành về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động gia hạn tín dụng, cùng với đó là cẩm nang hướng dẫn cách phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam do CBI thực hiện dưới sự ủy quyền từ cơ quan quản lý chứng khoán”, ông Chi Xiang Wong thông tin.
Ông Ngô Thế Triệu, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Investment Việt Nam – đơn vị quản lý tài sản của tập đoàn Prudential, đã chia sẻ những kinh nghiệm và ví dụ thực tiễn về Hành trình đầu tư bền vững.
Theo ông Triệu, nhu cầu tài chính cho mục đích chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam sẽ sớm gia tăng đáng kể, trong đó có sự đóng góp lớn từ nguồn tài chính tư nhân. Prudential Việt Nam xác định việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 là mục tiêu then chốt của mình. Một khía cạnh quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chính là đầu tư vào các cơ chế tài chính bền vững, trong đó trái phiếu xanh là mấu chốt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Các đại biểu, khách mời đã có một phiên trao đổi hiệu quả, với nhiều ý tưởng và giải pháp được đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn vốn tư nhân và tài trợ cho quá trình chuyển đổi hướng đến phát thải ròng bằng không tại Việt Nam.
Tháng 12/2022, Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) đã được ký kết giữa Nhóm đối tác quốc tế (IPG), gồm các quốc gia trong Khối G7 cùng với Na Uy, Đan Mạch, và Việt Nam, nhằm đưa ra các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng. Thỏa thuận này bao gồm cam kết của cả hai bên. Về phía IPG, đó là cam kết huy động nguồn tài chính và chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam. Về phía Chính phủ Việt Nam, đó là cam kết ban hành cơ chế để có thể tối ưu sự hỗ trợ từ IPG. Một số tổ chức tài chính đang hành động theo thỏa thuận JETP: Ngân hàng Standard Chartered, HSBC, Prudential… |