NDO – Mỗi dịp Tết Trung thu, phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại ngập tràn các loại đồ chơi với đa dạng mẫu mã và kiểu dáng bắt mắt. Bên cạnh những sản phẩm ngoại nhập hiện đại, đồ chơi “nội” vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Đồ chơi truyền thống nhuộm đỏ các cửa hàng. |
“Năm nào tôi cũng lên phố Hàng Mã để mua các loại đèn truyền thống. Chúng là ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi loại đều gắn liền với một câu chuyện ý nghĩa”, chị Thu Giang (quận Đống Đa) chia sẻ. |
Đèn cù một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi mỗi khi di chuyển trục bánh lăn, đèn có thể quay như con cù. Tất cả các khâu từ chẻ nứa, vót nan, dán giấy bóng kính và vẽ họa tiết của đèn đều phải làm bằng tay một cách khéo léo. |
Có nhiều sự tích về đèn ông sao, nhưng câu chuyện nào cũng liên quan đến những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm mà trẻ em từ xưa đến nay đều yêu thích. Mỗi chiếc đèn có 5 cánh, tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vì thế, đèn ông sao tượng trưng cho sự hài hòa, cân bằng của các mối quan hệ trong đời sống giữa người với người và giữa người với vạn vật. |
Lồng đèn cá chép bắt nguồn từ tích cá chép thành tinh. Ngày xưa, ở một ngôi làng dọc bờ sông, bỗng xuất hiện con cá chép bắt người mỗi rằm tháng 8. Được nhà sư nọ mách bảo, người dân bèn phủ vải bên ngoài nan tre làm thành hình con cá chép lớn. Tưởng đó là nhà của đồng loại, con cá chép thành tinh liền bỏ đi. Nhờ vậy, người dân mới được an toàn. |
Ông TIến sĩ giấy được các cửa hàng đóng gói cẩn thận. Giá của mỗi chiếc dao động từ 120.000-150.000 đồng. Đây là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cổ truyền của người Việt, thể hiện mong muốn con cháu học hành giỏi giang, có tương lai tươi sáng. |
Chiếc mặt nạ giấy bồi hình ông địa là biểu trưng cho sự tròn đầy, trong sáng của đêm trăng rằm, cùng khởi đầu cho một mùa màng bội thu. Khác với những chiếc mặt nạ nhựa giá rẻ từ Trung Quốc, mặt nạ giấy bồi được làm từ chất liệu giấy an toàn. Chúng được xé vụn, rồi đắp bồi lên nhau để tạo độ dày và kết dính. |
Đầu sư tử và trống ếch góp phần làm nên không khí từng bừng cho ngày hội trăng rằm. Chiếc đầu sư tử đỏ vờn múa uyển chuyển, nhịp nhàng trong tiếng trống ếch thùng thình vừa mang đến sự sôi động cho tiết mục múa, vừa mang đến sự khởi đầu hưng thịnh. |
Một số lồng đèn có hình dáng con vật được thiết kế theo kích thước nhỏ, thay thế khung tre bằng thanh nhựa, có khớp di chuyển linh hoạt. |
Bên cạnh lồng đèn, đầu sư tử và mặt nạ giấy bồi, các con giống tò he với những chi tiết đáng yêu cũng thu hút sự chú ý của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Các em thiếu nhi có thể tự mình nặn các con vật theo mong muốn, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. |
Làm mâm ngũ quả Tết Trung thu tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự công phu. Để tạo ra sản phẩm, nguyên liệu phải có bột nếp, đường trắng, nước, bột năng cùng phẩm màu được cân đong đo đếm vừa đủ. Mâm quả càng bé thì càng mất nhiều thời gian thực hiện. |
Mỗi đường nét trên mô hình tò he chị Hằng và thỏ ngọc được nghệ nhân nhào nặn thật cẩn thận và cầu kỳ. Việc kết hợp cùng hoa sen trong tác phẩm càng tô đậm thêm vẻ đẹp văn hóa của người Việt. |
Những con tò he sặc sỡ khiến các bạn nhỏ không thể cầm lòng, liền cầm lên chơi thử. |
Các em thiếu nhi được ông bà, bố mẹ dẫn đến các hàng, thỏa thích lựa chọn đồ chơi. Không khí mua bán trước thềm Tết Trung thu rộn rã khắp con phố Hàng Mã. |
Nhandan.vn