Theo Neowin, khoản đầu tư mới được chính phủ Anh vạch ra ba mục tiêu chính, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực chip nội địa, giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và bảo vệ an ninh quốc gia. Bất chấp cam kết đầu tư 1 tỉ bảng trong thập kỷ tới, các chuyên gia trong ngành đã đưa ra quan ngại về hiệu quả của chiến lược so với khoản tài trợ đáng kể do Mỹ và EU phân bổ.
Chiến lược bán dẫn phản ánh cam kết của chính phủ Anh trong việc tăng cường lĩnh vực chip trong nước, giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và đảm bảo an ninh quốc gia. Phần lớn khoản đầu tư sẽ được dành riêng cho Sáng kiến Cơ sở Hạ tầng bán dẫn Quốc gia, trong đó tập trung vào việc tăng cường nguồn tài năng và tạo điều kiện tiếp cận với nguyên mẫu, công cụ và hỗ trợ kinh doanh cho các công ty của Anh. Khoảng 200 triệu bảng sẽ được phân bổ từ năm 2023 đến 2025 để thúc đẩy ngành tiếp cận cơ sở hạ tầng, nỗ lực nghiên cứu và phát triển năng lượng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Mặt khác, để theo đuổi hợp tác quốc tế, Anh và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ đối tác bán dẫn, tập trung vào việc củng cố ngành công nghiệp chip ở cả hai nước. Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ tài chính đáng kể cho các công ty Anh thiết lập sự hiện diện tại quốc gia này. Bước đầu tiên, Viện Nghiên cứu và Đổi mới của Anh sẽ hợp tác với Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về khoản đầu tư chung lên tới 2 triệu bảng cho hoạt động nghiên cứu chất bán dẫn giai đoạn đầu vào năm tới.
Bất chấp những lo ngại đã được nêu ra, phản ứng của chính phủ Anh đối với Chiến lược bán dẫn được xem là bước đi thận trọng. CEO Arm Rene Hass bày tỏ sự lạc quan khi nói rằng chiến lược này sẽ hỗ trợ vai trò của Anh trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho công nghệ chip thế hệ tiếp theo. Các câu hỏi đã được đặt ra về tác động của việc dàn trải khoản đầu tư trong 10 năm và liệu nó có đủ để tạo ra sự khác biệt đáng kể hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ Anh làm rõ hơn về kế hoạch phân bổ này.