– Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh, năm 2024, mức tăng trưởng tín dụng tiếp tục góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Nhu cầu vốn cho sản xuất – kinh doanh, thương mại – dịch vụ và tiêu dùng tăng cao trở thành yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên “bơm vốn” tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và các dự án trọng điểm ở địa phương… Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng phù hợp với mục đích vay vốn của khách hàng.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Tổng số dư huy động vốn năm 2024 ước đạt 74.414 tỷ đồng, tăng 7,29% so cuối năm 2023. Tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu, lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt chú trọng đến các dự án nhà ở xã hội, các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường phù hợp định hướng phát triển bền vững của tỉnh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng tích cực.
Tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn đến cuối năm 2024 ước đạt 126.026 tỷ đồng, tăng 12% so cuối năm 2023, lãi suất bình quân 8,299%/năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 99.427 tỷ đồng, tăng 12,54% so cuối năm 2023; dư nợ trung – dài hạn ước đạt 26.599 tỷ đồng, tăng 10,02% so cuối năm 2023.
Giao dịch với khách hàng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn An Giang
Dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng ước đạt 94.610 tỷ đồng, tăng 12,13% so năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55 và Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước) năm 2024 ước dư nợ đạt 77.944 tỷ đồng, tăng 10,52% so năm 2023; cho vay xuất khẩu ước đạt 4.426 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 12.240 tỷ đồng, tăng 13,55% so với năm 2023… Ngoài ra, còn có các chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 100/2015/NQ-CP của Chính phủ; cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã… Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu chiếm 2,22%/tổng dư nợ.
Là tỉnh nông nghiệp, vốn tín dụng cho vay kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể ở An Giang được đẩy mạnh. Ngành Ngân hàng tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điển hình, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể đến tháng 11/2024 đạt 76.679 tỷ đồng, tăng 10,39% so cuối năm 2023. Trong đó, đã đẩy mạnh các chính sách cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn đạt dư nợ cho vay phục vụ ngành lúa gạo đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 8,6% so cuối năm 2023. Cùng với các chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Dư nợ nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản cuối tháng 11/2024 đạt 16.759 tỷ đồng, tăng 12,24% so cuối năm 2023. “Từ nguồn vốn tín dụng cho vay lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã có điều kiện mua sắm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng, phát triển sản xuất – kinh doanh, khôi phục ngành nghề…”- đại diện các hợp tác xã chia sẻ.
Theo Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Giang Trần Văn Soul, đồng hành với bà con nông dân, Agribank An Giang luôn chú trọng đầu tư vốn vào lĩnh vực “tam nông” và thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn… Là ngân hàng cho vay chủ lực trong lĩnh vực “tam nông”, Agribank An Giang luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương. Tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong các năm qua luôn chiếm trên 80% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng Agribank chi nhánh An Giang đã phủ kín đến 100% số xã trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp tích cực vào công tác, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển bền vững và “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ tại các vùng nông thôn, miền núi, diện mạo khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa khởi sắc rõ rệt.
Có thể nói, chính sách tiền tệ tín dụng đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhóm ngành và lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của tỉnh. Khơi thông dòng tín dụng, đã hỗ trợ đắc lực phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/von-tin-dung-thuc-day-tang-truong-kinh-te-a412603.html