Tác giả Trương Chí Hùng của miền Tây Nam Bộ xuất hiện trên văn đàn khoảng chục năm lại đây song đã ghi dấu ấn trong nhiều độc giả bằng thể loại bút ký văn học. Phóng viên đã cuộc trò chuyện với anh nhân dịp tập bút ký “Con nước tha hương” vừa ra mắt độc giả.
Tác giả Trương Chí Hùng (bên phải) trò chuyện với nhân vật trong một chuyến đi thực tế.
Phóng viên (PV): Từ khi nào anh nhận thấy mình hợp với thể loại bút ký?
Nhà văn Trương Chí Hùng: Trước khi viết bút ký, tôi cũng đã thử sức qua nhiều thể loại khác nhau, như tản văn, thơ, truyện ngắn. Tôi cũng được xuất bản sách và có vài giải thưởng với các thể loại vừa nêu. Có điều, tự thâm tâm tôi thấy chưa bao giờ hài lòng với những gì mình gặt hái được, nên cứ mãi tìm tòi xem đâu mới là “gu” sáng tác của mình. Đến năm 2016 – 2017, khi các Hội Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức Cuộc thi bút ký văn học, tôi liền thử sức. May mắn là tôi từng đọc bút ký khá nhiều, lại tích lũy được vốn tri thức liên quan đến đề tài lựa chọn, nên viết rất thuận lợi.
Dù vậy, thú thật lúc viết bài bút ký đầu tiên, tôi đã dừng lại khá nhiều lần. Không phải bí bách ý tưởng, mà nhiều đoạn cảm xúc mãnh liệt quá, tôi phải để lòng yên ắng lại. Tôi thấy rằng những gì mình viết ra từ trái tim thì có thể sẽ chạm vào trái tim người khác. Tôi đã viết với niềm say sưa và hạnh phúc đặc biệt của người làm công việc sáng tạo. Cũng từ lần đó, tôi biết rằng đã “bén duyên” với thể loại bút ký rồi.
PV: Tác phẩm văn học viết về miền tây, lâu nay những tên tuổi như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức… sau này là Nguyễn Ngọc Tư đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Điều đó có khiến cho anh cảm thấy bị áp lực hay không?
Nhà văn Trương Chí Hùng: Tôi luôn đọc tác phẩm của các cô chú, anh chị thế hệ trước và cả các bạn trẻ hiện nay với một tinh thần cầu thị. Tôi quý trọng những tác giả đã tạo nên bức tranh văn chương miền tây thật ấn tượng và ngày càng khởi sắc. Có điều, tôi không hề thấy áp lực với bất kỳ tên tuổi nào cả. Bởi tôi thấy trong hành trình sáng tạo, mỗi người đều có thể tạo nên thành quả riêng cho bản thân nếu mình thật sự nỗ lực.
PV: Để viết bút ký đòi hòi người viết phải đi nhiều, trong khi anh đang là giảng viên Trường đại học An Giang. Anh đã thu xếp công việc của mình như thế nào để vừa thực hiện tốt vai trò của một nhà giáo, vừa theo đuổi được đam mê viết văn?
Nhà văn Trương Chí Hùng: Nói theo “trend” của giới trẻ bây giờ, “cứ sơ hở là tôi đi”! Tôi thích rong ruổi những miền đất lạ, trò chuyện với những người ở nơi xa xôi mới lần đầu gặp gỡ hay đơn giản là ngồi lặng yên trên một bình nguyên, nghe lòng mình quyện hòa cùng cây cỏ. Để có những chuyến đi như thế, tôi phải cố gắng hoàn tất công việc ở trường đại học, tự thu xếp thời gian, tự lên kế hoạch và tự túc về mọi khoản chi phí. Tôi thường đi trải nghiệm vào những ngày cuối tuần, lễ, Tết, nhiều nhất là mấy tháng hè nên cũng không ảnh hưởng đến công việc giảng dạy.
Có người nói vui rằng những lúc họ thong thả nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng sau những ngày làm việc vất vả thì tôi lại lang thang nơi chân trời góc bể. Mỗi người có thể chọn cách riêng để cuộc sống ý nghĩa. Bản thân tôi thì thấy như được “nạp năng lượng” sau mỗi chuyến đi. Đồng thời những gì gom góp được luôn là chất liệu sinh động để tôi viết bút ký.
Tập bút ký “Con nước tha hương” vừa xuất bản.
PV: Khó khăn lớn nhất đối với anh khi theo đuổi thể loại bút ký là gì?
Nhà văn Trương Chí Hùng: Là tìm ra nhân vật và một câu chuyện thật ý nghĩa để làm lay động trái tim người đọc. Tôi thấy hiện nay vẫn còn nhiều người lầm tưởng bút ký chỉ là kiểu ghi chép “người thật việc thật”. Nếu dừng lại ở chức năng này, chắc chắn bút ký văn học sẽ không tách biệt được với các thể loại báo chí, bút ký cũng khó tạo được “chỗ đứng” trong bối cảnh công nghệ hiện đại, khi người ta dễ dàng tìm thông tin “người thật việc thật” rất nhanh chóng tiện lợi. Để sáng tác đúng nghĩa là bút ký, nhà văn dĩ nhiên cũng dựa vào chất liệu hiện thực, nhưng phải kể được câu chuyện xúc động với những phận người điển hình. Tôi luôn lo sợ mươi năm nữa những tác phẩm của mình sẽ bị lạc hậu, nghĩa là không khơi gợi được niềm hứng thú nào cho độc giả. Chính vì thế tôi luôn nỗ lực tìm kiếm nhân vật và câu chuyện có khả năng neo lại thật lâu với đời. Tất nhiên điều này không hề dễ. Thậm chí có nhiều lần tôi đã thu thập thật nhiều chất liệu về một vùng đất nhưng tìm mãi chẳng thấy nhân vật nào điển hình nên tôi đành gác lại.
PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Tác giả Trương Chí Hùng đã xuất bản 7 tác phẩm, trong đó có 3 tập bút ký đó là “Man mác Vàm Nao” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019), “Nẻo đời phiêu bạt” (NXB Phụ nữ Việt Nam 2021), “Con nước tha hương” (NXB Quân đội nhân dân 2024). Giải nhất Cuộc thi bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI năm 2017, Tặng thưởng bút ký hay nhất Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2022.
Theo THI PHONG (Báo Nhân Dân)
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/van-hoa/tac-gia-tac-pham/-viet-tu-tim-se-cham-den-tim–a403670.html