(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Để tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ hành chính của tỉnh An Giang nói riêng và của cả nước nói chung, thị xã Tịnh Biên tập trung phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển trở thành đô thị động lực phía Tây của tỉnh An Giang.
Một góc thị xã Tịnh Biên
Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên thông tin, để phát triển đô thị vùng biên giới thị xã đặc thù của tỉnh An Giang, cần sớm được đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội – hạ tầng đô thị và con người, trước đây huyện Tịnh Biên nay là thị xã Tịnh Biên được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng các chương trình 135, 167, 67, Chương trình Cụm tuyến dân cư vượt lũ (điển hình như Tuyến dân cư xã An Phú; Tuyến dân cư Nam Quốc lộ 91; Tuyến dân cư 23 An Nông…) và các dự án dân cư thương mại như Khu dân cư cao cấp Sao Mai, Khu dân cư Chợ Tịnh Biên do các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Tịnh Biên với số lượng vài ngàn nền, ngoài ra thị xã đang tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bố trí ổn định dân cư di dân tư do, biên giới khu vực Lộ 20 – An Nông thuộc chương trình di dân biên giới và các cụm tuyến dân cư khác đang chuẩn bị đầu tư như Tuyến dân cư Bọng Đình Nghĩa phường An Phú. Nhằm phát triển dân cư đô thị tự nhiên – cơ học và giúp cho người dân có chỗ ở ổn định để gắn bó lâu dài với vùng biên nhằm để phát triển đô thị biên giới thị xã Tịnh Biên trong thời gian tới.
Là địa bàn biên giới, miền núi và dân tộc, tuy mới vừa được công nhận là thị xã nhưng Tịnh Biên còn nhiều thách thức cần phải nỗ lực phấn đấu để từng bước hoàn thiện tiêu chí đô thị loại IV và tiến tới đô thị loại III cũng như đảm bảo về cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn thị xã ngày hoàn thiện hơn. Trong đó khu vực biên giới luôn đặt ra những thách thức, khó khăn. Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên cho biết, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã nỗ lực tập trung các giải pháp như sau:
Trước nhất là chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất với phương châm tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, đặc biệt là khu vực biên giới. Kết quả đến nay Khu công nghiệp Xuân Tô do Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh quản lý đã có 2 dự án đầu tư 11,6 ha tỷ lệ lắp đầy 36,6% tổng vốn đầu tư 518.570 triệu đồng; khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên có 10 dự án đầu tư, quy mô 9,2 ha với tổng vốn đầu tư 215 tỷ 720 triệu đồng, ngoài ra một số nhà đầu tư đang khảo sát, lập thủ tục đăng ký đầu tư như Tập đoàn TH; Tập đoàn BIM…
Tịnh Biên xây dựng các điểm, khu du lịch thu hút du khách
Chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh và dịch vụ, nhất là hoạt động du lịch, thương mại biên giới và các loại hình dịch vụ; duy trì và phát triển tốt giao thương trong khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên; phát huy hiệu quả vị trí trung chuyển hàng hóa, dịch vụ du lịch trong vùng, kết nối các trung tâm lớn giữa thành phố Châu Đốc, Long Xuyên của tỉnh An Giang với thành phố Hà Tiên, Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang.
Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, người có công, nỗ lực phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục phù hợp với thực trạng của Tịnh Biên, trong đó khai thác lợi thế về các di tích, danh thắng, địa danh nổi tiếng đã và đang thu hút nhiều du khách với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có như Công viên nước Thanh Long – Khu du lịch Núi Cấm, Cầu tre Vạn Bước – rừng tràm Trà Sư, du lịch điện mặt trời Sao Mai – xã An Hảo… Thực tế hiện nay bình quân lượng khách đến địa phương từ gần 4 triệu lượt người/năm, từ đó đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho dân cư và từng bước phát triển các sản phẩm đặc sản được du khách ưa chuộng như các sản phẩm từ cây thốt nốt, từ trái chúc, cấy ăn trái vùng núi Cấm….
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thị xã Tịnh Biên tiếp tục tranh thủ với nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tổ chức lại sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng (năm 2022 thực hiện chuyển đổi 1.600 ha trên nền đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu các loại) đồng thời cũng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, Tổ hợp tác, xem đây là giải pháp căn cơ để không ngừng nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, UBND thị xã tích cực sử dụng các nguồn vốn đầu tư để thi công các công trình thủy lợi như nạo vét 8 cống đầu kênh Vĩnh Tế, cống Nhơn Thới – Nhơn Hưng, thi công nạo vét kênh Vĩnh Tế, kênh Trà Sư – Tha La… đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt./.
Phương Nam