(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Tân Châu đã nêu cao quyết tâm chính trị, đề ra nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả và đồng bộ, để đã đưa kinh tế – xã hội thị xã phát triển theo định hướng.
Đặc biệt là quan tâm tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, với nhiều công trình quan trọng, mang tính liên vùng, đã giúp Tân Châu phá thế độc đạo của một thị tứ cù lao, tạo đà mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, sớm đưa Tân Châu phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm kinh tế biên mậu phía Bắc của tỉnh An Giang.
Công trình Cầu Tân An
Một trong những thành tựu về hạ tầng giao thông của thị xã Tân Châu, không thể không nhắc đến đó là công trình Cầu Tân An. Đây được xem là một trong những công trình trọng điểm, một điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế biên mậu, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của thị xã. Cầu Tân An nối đôi bờ Bắc Kênh Xáng, thuộc địa phận 2 xã Long An – Tân An. Công trình được đưa vào sử dụng đầu năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong vùng; công trình không chỉ phá thế “cù lao” mà còn góp phần tạo hành lang phát triển không gian đô thị, kết nối thông suốt tỉnh lộ 952, tỉnh lộ 953, tuyến N1 đoạn từ thị xã Tân Châu – TP Châu Đốc, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực.
Bênh cạnh đó, các công trình “ngoại lực” của cấp tỉnh, cấp bộ, mang tính liên vùng được thực hiện trên địa phận thị xã Tân Châu, như: Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng (N1), cầu Châu Đốc, dự án kè Sông Hậu đoạn qua xã Châu Phong,… thị xã còn đẩy mạnh xây dựng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, các tuyến đường nội ô thị xã như: Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Tri Phương, Tôn Đức Thắng; công trình tuyến dân cư Kênh Vĩnh An giai đoạn 1 và chuẩn bị triển khai giai đoạn 2; đây là những công trình, một mặt vừa mang tính kết nối giao thông, vừa chỉnh trang đô thị, đưa thị xã lên đô thị loại III (như hiện nay) và loại II sau năm 2030.
Tuyến đường Nguyễn Tri Phương (phường Long Thạnh)
Điều đặc biệt, là ở những công trình từ chỉnh trang đô thị đến chương trình xây dựng nông thôn mới do thị xã thực hiện, hoặc những công trình trọng điểm được Trung ương, tỉnh triển khai đầu tư, đa phần nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của Nhân dân trên địa bàn, không chỉ phấn khởi vì được hưởng lợi, mà luôn tiên phong đi đầu hỗ trợ cùng địa phương để công trình sớm triển khai thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng thi công đã và đang thực hiện vượt so kế hoạch, nhân đôi niềm vui cùng với bà con nhân dân toàn thị xã. Đây là hiệu quả đáng trân trọng của công tác tuyên truyền, sự gần dân, sát dân, đối thoại, lắng nghe của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã Tân Châu trong suốt thời gian qua. Đặc biệt đối với tuyến liên kết vùng N1 và cầu Châu Đốc, đây là công trình giao thông cấp I, cùng với đó là các lợi ích quan trọng, nên Đảng bộ, Chính quyền cùng Nhân dân thị xã Tân Châu rất quan tâm, tích cực vào cuộc.
Công trình Cầu Châu Đốc
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, người dân thị xã Tân Châu rất phấn khởi, vui mừng khi nghe thông tin công trình cầu Châu Đốc sẽ được thông xe vào dịp lễ 30/4; sẽ chấm dứt tình trạng người dân qua sông không còn cảnh “lụy đò”; từ đây, Tân Châu không còn là “ốc đảo”, giao thông không còn trắc trở. Có thể khẳng định, công trình cầu Tân An, cầu Châu Đốc, tuyến liên kết vùng N1, dự án san lấp kênh Vĩnh An giai đoạn 1 và hiện đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2,… là các công trình đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng từ bấy lâu nay của Chính quyền và Nhân dân thị xã. Bởi các công trình này không chỉ tạo dấu ấn, là điều kiện quan trọng giúp Tân Châu phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, tạo thế vững chắc về bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng, mà còn kết nối theo trục ngang với các tỉnh khác như Long An, Đồng Tháp và Kiên Giang,.. giúp thị xã sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa về Tân Châu, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia và các nước trong khu vực Asean, tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho người dân địa phương.
Để sớm đưa thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030; Tân Châu tiếp tục quan tâm lập các Đồ án Quy hoạch phân khu cho các khu vực đô thị, nhất là các xã được quy hoạch lên phường; tập trung triển khai các dự án thuộc khu vực cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là vào lĩnh vực du lịch, nhà ở, dịch vụ thương mại,… Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, nhất là cải tạo, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, đường nội ô thị xã, nâng cấp đường giao thông nông thôn, hệ thống giao thông nội đồng, đường tuần tra biên giới; tiếp tục tranh thủ với trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cầu Tân Châu – Hồng Ngự, Cảng Tân Châu,… Những công trình này, nhằm góp phần tạo ra một mạng lưới giao thông thông thoáng, để thị xã tiếp tục thu hút đầu tư, kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đưa thị xã Tân Châu phát triển và thực sự trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh An Giang./.
Văn Phô