+ Loại đá phun trào Ở khu vực phía Nam của núi Dài, núi Phú Cường, núi Sà Lôn và phía Nam núi Cấm. Đá có màu xanh đen, cường độ chịu lực không cao (700-1000kg/cm2) nhưng lại khó vỡ và sử dụng tốt cho các công trình dân dụng.
– Cát xây dựng, có 2 nhóm:
+Cát núi: nằm theo triền hoặc trong các trũng giữa núi Cấm và núi Dài thuộc các xã An Cư, Thới Sơn, là sản phẩm trầm tích do dòng nước mang cát từ trên triền cao của các thềm cổ tích tụ mà thành. Thường có màu trắng tương đối thô hạt và độ chọn lựa yếu.Khai thác cát trên sông Hậu.
+ Cát sông: Cát vàng phục vụ cho xây dựng ở Tân Châu (sông Tiền) đã nổi tiếng. Những bãi cát sông có khả năng khai thác xuất hiện trên sông Tiền và sông Hậu với tổng lượng khai thác hàng năm gần 2 triệu khối. Trên sông Tiền có 4 khu vực và sông Hậu có 8 khu vực
– Đất sét gạch ngói: Các vùng đất nông nghiệp ở Châu Thành, Châu Phú đều thích hợp cho sản xuất gạch ngói. Đất có nguồn gốc từ phù sa sông hiện tại. Chỉ cần khai thác ở lớp đất bề mặt dày 0,2 – 0,3m là có thể đủ để cung cấp cho hơn 400 nhà máy sản xuất gạch ngói lớn nhỏ trong toàn tỉnh. Sau đó, chỉ trong vòng 2-3 mùa ngập lũ phù sa lại lấp đầy như cũ. Sét gạch gốm ở An Giang dùng làm gạch ống, gạch thẻ, ngói lợp, gạch tàu.
Nhóm vật liệu trang trí:
– Đá ốp lát :
Ở An Giang chủ yếu là các nhóm đá granite, granodiorite, rhyolite có nhiều màu sắc rất được ưa chuộng trong trang trí cao cấp. Cụ thể có các loại đá ốp lát như: granite hồng xen đốm đen, hoa văn nhỏ, granodiorite con tằm có màu xám xanh, hoa văn dạng đốm lớn hình da báo, granite hồng ở khu mỏ Ô Mai… Ngoài ra, còn có đá phiến đen ở núi Phú Cường, núi Nam Qui. Những mỏ đá có thể khai thác làm đá ốp lát:
+ Mỏ đá núi Cấm, chủ yếu nằm trên sườn Đông Nam núi Cấm, xen giữa dãy núi Cấm và núi Nam Qui.
+ Mỏ đá Gập Ghềnh: ở phía Bắc núi Dài nhỏ và là 1 phần rất nhỏ khối granite thuộc pha 2 phức hệ Đèo Cả tuổi kareta thuộc xã An Phú (Tịnh Biên).
– Đá aplite:
Đá aplite ở An Giang đã được khai thác cung cấp cho các nhà máy sản xuất gạch ceramic Đồng Tâm, An Giang và Thành phố HCM. Bên cạnh aplite, những mạch pecmatic chứa tràn kali và natri rất quý cho công nghiệp gốm sứ, sành sứ được tìm thấy ở núi Sập và khu vực Bảy Núi.
– Than bùn: Các mỏ than bùn ở An Giang được phân bố chủ yếu ở khu vực Bảy Núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn. Trữ lượng dự báo của các mỏ than bùn của tỉnh khoảng 7.632.430 tấn (cấp A + B + C1) và tổng tiềm năng là 16.886.730 tấn. Hầu hết các mỏ đều có chất lượng than bùn tốt, đáp ứng được yêu cầu sản xuất phân hữu cơ vi sinh và acid humic.Có 2 loại than bùn khác biệt nhau: Than bùn dạng vỉa ở các mỏ Núi Tô, Tà Đảnh, Ba Chúc, và than bùn dạng dải theo các lòng sông cổ ở An Tức , Vĩnh Gia.
– Vỏ sò: Mỏ vỏ sò ở An Giang được hình thành trong vùng cửa sông, nằm trong cảnh quan chung miền Tây – Tây Nam sông Hậu và những khối vỏ sò nằm rải rác, kéo dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Khối lượng mỗi mảnh sò có thể là 0,2 – 0,5kg. Càng xuống sâu vỏ sò càng lớn. Chúng phân bố thành những khối với bề mặt đáy bằng phẳng, vách dốc. Chiều dày trung bình lớp phủ của các khối thay đổi từ 0,69 đến 1,55m, chiều dày trung bình của khối vỏ sò từ 6,83 đến 7,55m. Các di tích vỏ sò này được hình thành trong điều kiện cửa sông vào Holocene giữa muộn.Thành phần hóa học vỏ sò chủ yếu là oxyt canxi (CaO) chiếm 54,20 – 54,91% .
Ngoài ra trong vỏ sò còn chứa 1 ít hàm lượng oxytmahe (MgO) và oxit silic (SiO2) , được sử dụng vào công nghệ sản xuất xi-măng trắng và làm phối liệu trong phân NPK.
– Đất sét:
+ Đất sét cao-lanh An Giang chủ yếu tập trung ở vùng Bảy Núi do quá trình phong hóa của các đá mang khoáng này ở núi Cấm, núi Dài, núi Cô Tô, núi Nam Qui, núi Tà Pạ… Đây là nguồn vật liệu làm sứ cách điện cao cấp.Cao-lanh ở đây có 2 nguồn gốc tạo thành:
1. Nguồn gốc phong hoá tại chỗ của các đá cát kết, bột kết giàu fenspath thuộc trầm tích Créta hệ tầng Phú Quốc và của granit sáng màu, giàu fenspath.
2. Nguồn gốc trầm tích: của các đá giàu fenspath bị phá hủy do các điều kiện lý hóa, rửa trôi và trầm tích trong các trũng giữa núi.Đất sét cao-lanh không chỉ dùng trong sản xuất sành sứ, mà còn nhiều công dụng như: làm khung xương gạch men cao cấp, tinh chế làm chất mang trong dược liệu, làm thủy tinh đục, bột sơn , chất mang của thuốc trừ sâu.
+ Đất sét bentonite: một loại đất chứa nhiều khoáng montmorillonite . Nguyên liệu rất thông dụng trong công nghiệp, đặc biệt dùng làm chất tẩy rửa và hút nhờn, nên chúng được sử dụng làm chất tẩy rửa dầu nhớt và làm dung dịch trong các giếng khoan dầu nhớt.
Bentonite ở An Giang được tìm thấy tại xã Lê Trì huyện Tri Tôn, với trữ lượng khá lớn.
Đá quí và ngọc:
Ở núi Nam Qui và núi Tà Pạ, thỉnh thoảng người dân địa phương nhặt được những viên đá quí lộ ra ở những đoạn đường trải đá núi, đó là các loại mã não, các cây hóa thạch.Một số vùng rìa tiếp xúc giữa đá granit với đá xung quanh phát sinh 1 số loại đá quí khác như hồng ngọc . Một số loại thạch anh ám khói, thạch anh tím được tìm thấy trong các mạch pecmatic ở Ba Thê, núi Két…
Quặng kim loại:
– Quặng molipden: Đã được người Nhật khai thác từ hơn 40 năm trước mà miệng hầm mỏ vẫn còn ở núi Sam. Mạch quặng molipdenit có màu xám đen đi kèm với đá pecmatic. Ngoài ra, molipden còn được phát hiện trong 1 số mạch đá ở núi Trà Sư, núi Két nhưng không nhiều.
– Quặng mangan: Là lớp bột màu tím đỏ hoặc tím đen (MnO2), phân bố ở Tà Lọt . Loại khoáng này đã được khai thác từ năm 1936. Quặng mangan thường đi kèm với sắt ở trong đá trầm tích bị biến chất.
Nước khoáng thiên nhiên:
Ở An Giang, đặc biệt là ở vùng Bảy Núi, các khu mội nước khoáng thường tìm thấy dọc theo các đới đứt gãy tân kiến tạo.
– Dọc theo trục đứt gãy phân cắt núi Phú Cường và núi Dài, núi Cấm và núi Dài hình thành nơi thung lũng Ô Tà Sóc (Tri Tôn) có 6 điểm lộ nước khoáng : núi Cậu, An Cư-nằm về phía Bắc núi Phú Cường, Soài Chết, Suối Vàng, Sà Lôn và Tà Pạ. Tại các điểm này, nước có tổng độ khoáng hóa từ 500mg/l đến 2.750mg/l.
– Hệ thống thứ hai nằm dọc theo trục đứt gãy chia cắt núi Két và núi Dài (dọc theo trục tỉnh lộ Nhà Bàn-Tri Tôn) gồm các điểm lộ:
+ Điểm lộ Nhà Bàn, xuất hiện phía dưới Bắc núi Két.l Điểm lộ Vĩnh Trung, xuất hiện nhiều giếng đào chứa nước khoáng .
+ Điểm lộ Chi Lăng, nước khoáng xuất hiện trong nhiều giếng cạn ở trung tâm thị trấn Chi Lăng.
+ Khu mội Tri Tôn, xuất hiện phía Bắc thị trấn Tri Tôn.
+ Khu mội Cô Tô, không tìm thấy điểm lộ thiên nhưng qua các giếng khoan đã tìm ra nước khoáng ở độ sâu 123m.
Diatomite:
Ở An Giang, diatomite được phát hiện ở Lê Trì (Tri Tôn) nằm cách mặt đất từ 1,8-2,2m. Bề dày bình quân khoảng 1,7-2m, trữ lượng dự báo khoảng từ 800.000 đến 1.000.000 tấn. Các loại diatomite có ở đây đều lẫn sắt hoặc chất hữu cơ rất cao, nên thường có màu xám đen hoặc vàng. Do vậy, màu trắng và tính ròng của diatomite An Giang là vô cùng đặc sắc ; có thể sử dụng rộng rãi trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt là lọc bia, rượu, dầu ăn.