– Là sự kiện tiêu biểu cho tình đoàn kết, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh An Giang nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp Nhân dân. Trước thềm đại hội, nhiều đại biểu đã gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các DTTS tại tỉnh An Giang.
“Nhờ Đảng, người Khmer đã vươn lên”
Những ngày qua, Hòa thượng Chau Cắt, sãi cả chùa Mỹ Á (phường Núi Voi, TX. Tịnh Biên) không giấu được niềm vui khi chứng kiến lớp truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông thành công mỹ mãn. Từ đây, kỹ thuật chế tác kinh lá buông, di sản văn hóa tinh thần độc đáo của người Khmer, đã không còn lo sợ thất truyền, khi 24 vị sư đại diện cho 24 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại TX. Tịnh Biên đều nắm vững.
“Không chỉ lớp chế tác kinh lá buông, Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền đã luôn chăm lo cho đời sống kinh tế của người Khmer. Bây giờ, người Khmer không còn quanh quẩn với mảnh ruộng, họ đi buôn bán, làm ăn, làm công nhân ở các công ty nên đời sống ổn định hơn. Sư rất mừng vì bà con cũng nâng cao ý thức trong việc cố gắng vươn lên thoát nghèo, từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của địa phương. Ở phường Núi Voi có phum Tà Núp là nơi người Khmer định cư từ lâu. Bây giờ, nhà cửa của bà con trong phum đã khang trang hơn, các cháu nhỏ cũng được đến trường, sư nhìn thấy mà mừng lắm” – sư Chau Cắt phấn khởi.
Các đại biểu gửi gắm nhiều kỳ vọng vào Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang năm 2024
Niềm mong mỏi của vị sư cả đáng kính này là Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tiếp tục chăm lo đời sống kinh tế, bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS Khmer. Đặc biệt, cần chăm lo chuyện học hành của thế hệ tương lai để thanh niên Khmer sau này có đủ tri thức, có công việc ổn định, cùng góp bàn tay xây dựng quê hương.
“Sư đến với Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang lần này với mong muốn sẽ được chứng kiến những đổi thay tích cực trong đời sống của người Khmer, người Kinh, người Chăm và những dân tộc khác ở tỉnh An Giang. Sau mỗi lần tham dự đại hội, sư càng thêm phấn khởi, càng tin tưởng vào sự phát triển của tỉnh An Giang. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà người Khmer giờ đây đã có cơ hội để vươn lên” – sư Chau Cắt khẳng định.
Người Chăm mong muốn được hội nhập, phát triển
Về ấp La Ma (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú) sẽ thấy những đổi thay tích cực của đồng bào Chăm. Ông Mách Ta Rế (Giáo cả thánh đường Masjidir Roh Mah) chia sẻ: “Người Chăm đã chung sống hòa thuận với cộng đồng các dân tộc anh em ở cù lao Vĩnh Trường hàng trăm năm. Thời gian qua, chúng tôi luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo từ đời sống vật chất đến tinh thần. Nếu có trường hợp cần hỗ trợ, địa phương đều cố gắng vận dụng nguồn lực giúp đỡ. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện An Phú và xã Vĩnh Trường đối với đời sống cộng đồng Chăm tại ấp La Ma”.
Ông Mách Ta Rế đề xuất việc dạy nghề cho phụ nữ Chăm
Ông Mách Ta Rế cũng cho hay, chính quyền địa phương thường xuyên tặng quà hỗ trợ hộ nghèo, vận động thanh niên người Chăm tích cực học tập để xây dựng tương lai. Đặc biệt, hỗ trợ nhà ở cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Mách Ta Rế luôn khuyên bảo thanh niên người Chăm chí thú làm ăn, chấp hành pháp luật, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
“Đến với Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh An Giang năm 2024, tôi sẽ đại diện người Chăm ở Vĩnh Trường để gặp gỡ, giao lưu với các dân tộc khác trong tỉnh An Giang. Tôi cũng muốn đề đạt nguyện vọng của bà con về việc hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ Chăm. Hiện nay, phụ nữ Chăm đa số làm nội trợ, không có nguồn thu nhập nên đời sống chưa khá lên được. Nếu có thêm nguồn thu từ công việc, họ sẽ có thể chung tay xây dựng đời sống gia đình khấm khá hơn. Bây giờ, người Chăm cũng đi làm ăn khắp nơi, nên chúng tôi mong muốn sẽ được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tạo điều kiện để hội nhập, phát triển kinh tế tốt hơn nữa” – ông Mách Ta Rế đề xuất.
Người An Giang đoàn kết, nghĩa tình
Mang trong người dòng máu của dân tộc Tày ở miền Tây Bắc, chị Nguyễn Thị Hồng đến An Giang định cư, làm việc nhiều năm. Do đã gắn bó với vùng đất này đủ lâu, nên chị hiểu được văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ của cộng đồng các dân tộc tại An Giang.
Chị Nguyễn Thị Hồng tin tưởng vào tình đoàn kết các dân tộc tại tỉnh An Giang
Chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Tôi xem An Giang là quê hương thứ 2 của mình, bởi vùng đất này có chút gì đó giống với miền Tây Bắc hùng vĩ, lại có những con người chất phác, mến khách, nghĩa tình. Vì sống ở Tịnh Biên, nên tôi được tiếp xúc thường xuyên với bà con Khmer, với người Kinh, người Hoa. Điểm chung giữa họ là không có sự phân biệt, mà luôn vui vẻ, đoàn kết cùng làm ăn, cùng phát triển. Nhờ đó, dù là người Tày nhưng tôi không thấy mình đơn độc, bởi được hòa vào cuộc sống nghĩa tình của cộng đồng các dân tộc tại An Giang”. Góp mặt trong đoàn đại biểu TX. Tịnh Biên đến với Đại hội DTTS tỉnh An Giang năm 2024, đại biểu dân tộc Tày này mong muốn sẽ được gặp gỡ, giao lưu với tất cả những đại biểu đại diện các dân tộc khác đang chung sống thuận hòa trên vùng đất trù phú, với lịch sử hào hùng này.
“Lần đầu tiên được góp mặt ở sự kiện đặc biệt này, tôi vô cùng phấn khởi. Mong rằng, đại hội sẽ là “nhịp cầu” để chúng tôi kết nối, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc, cùng góp bàn tay kiến thiết quê hương An Giang ngày càng phát triển” – chị Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
THANH TIẾN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/niem-tin-vao-tinh-doan-ket–a408761.html