Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Đến nay, toàn thị xã có 15 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, thuộc 7 chủ thể. Đến tháng 9/2023, có 7 sản phẩm đến thời hạn công nhận 36 tháng, đang tiến hành thủ tục đánh giá, phân hạng OCOP trở lại. Chúng tôi phấn đấu xây dựng 60 sản phẩm đặc thù địa phương phục vụ du lịch, trong đó 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Qua rà soát, thị xã có 62 mặt hàng với 176 sản phẩm tiềm năng thuộc 6 ngành, phân theo Quyết định 1048/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, để các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương đến với nhiều thị trường tiềm năng, UBND thị xã tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên phương tiện truyền thông, như: Báo An Giang, Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, Cổng thông tin điện tử TX. Tịnh Biên, Fanpage Chương trình OCOP Tịnh Biên… Cùng với đó, tăng cường quảng bá sản phẩm tại sự kiện kết nối giao thương, nhằm giới thiệu đến đối tác và khách hàng.
Tịnh Biên phấn đấu xây dựng sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch
Trong công tác xúc tiến thương mại, TX. Tịnh Biên có sản phẩm OCOP góp mặt ở sự kiện nổi bật trong năm, như: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Hội chợ Công thương vùng ĐBSCL, Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan, Ngày hội bánh dân gian năm 2023; thực hiện giỏ quà OCOP của địa phương với mức giá khác nhau tại sự kiện xúc tiến thương mại.
Trong sự kiện Hội chợ mua sắm và ẩm thực hàng Việt Nam – Thái Lan, Ngày hội bánh dân gian năm 2023, các sản phẩm OCOP của TX. Tịnh Biên được người tiêu dùng quan tâm, đánh giá cao bởi tính độc đáo, hương vị đặc trưng. Đây là động lực để các chủ thể sản phẩm tiếp tục tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Là chủ thể sản phẩm đường thốt nốt Cẩm Hừng, chị Đặng Thị Cẩm Hừng chia sẻ: “Mong muốn mang sản phẩm đường thốt nốt đặc sản quê hương đến với người tiêu dùng, tôi đã tham gia nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong, ngoài tỉnh. Đến nay, sản phẩm đường thốt nốt của tôi được các đối tác quan tâm, người tiêu dùng tin tưởng. Tôi sẽ cố gắng duy trì, phát triển sản phẩm để mang đến sự hài lòng hơn nữa cho khách hàng trong thời gian tới. Đặc biệt, tiếp tục đưa sản phẩm tham gia hội chợ, sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP, mang hương vị truyền thống từ cây thốt nốt vùng Bảy Núi giới thiệu đến người tiêu dùng trong cả nước”.
Với sự quan tâm của UBND thị xã, ngành chuyên môn và sự nỗ lực của các chủ thể, sản phẩm OCOP Tịnh Biên từ việc tiêu thụ chủ yếu tại địa phương đã góp mặt trong hệ thống phân phối lớn, như: Bách Hóa Xanh, Big C, Công ty Antesco, sân bay, điểm bán hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…
“Chương trình OCOP còn góp phần thay đổi tư duy của chủ thể tại địa phương, giúp họ chú trọng hơn vào quy trình chế biến, nhằm gia tăng giá trị. Chủ thể tập trung đầu tư bao bì, nhãn mác, kết nối đối tác để đưa sản phẩm tiến xa hơn đến thị trường tiềm năng. Đây là yếu tố quyết định để sản phẩm OCOP Tịnh Biên vươn xa, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng” – ông Nguyễn Thanh Hùng phân tích.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP tại TX. Tịnh Biên vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định, như công tác phối hợp giữa ngành chuyên môn, địa phương đôi lúc chưa chặt chẽ. Một số đơn vị chưa phát huy được vai trò chuyên môn trong tổ chức đánh giá, phân hạng OCOP. Bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa bắt mắt, chưa thu hút người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ bị giới hạn…
Năm 2024, UBND TX. Tịnh Biên sẽ kiểm tra, duy trì chất lượng sản phẩm, giữ vững tiêu chí theo chứng nhận OCOP; yêu cầu UBND xã, phường hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể nâng chất sản phẩm; tăng cường quảng bá, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP địa phương vào hệ thống phân phối trên cả nước, nhất là sàn thương mại điện tử.
Đối với nhóm sản phẩm đặc thù địa phương, TX. Tịnh Biên sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện thủ tục pháp lý, đổi mới bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng để phục vụ hoạt động du lịch địa phương. Hỗ trợ, định hướng quy trình tham gia đánh giá phân hạng OCOP cho chủ thể các sản phẩm đặc thù trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng sản phẩm.
“Chúng tôi yêu cầu các địa phương, ngành chuyên môn tăng cường phối hợp thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2024. Đồng thời, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chủ thể đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng; mở lớp hướng dẫn xây dựng câu chuyện sản phẩm, thiết kế và sử dụng website cho cán bộ, chủ thể, góp phần nâng cao năng lực triển khai Chương trình OCOP tại địa phương trong những năm tới” – Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng đề xuất.