Từ TP. Lào Cai, chúng tôi băng qua cung đường đèo hùng vĩ khoảng 30km lên đến TX. Sa Pa. Quả thật, chỉ riêng cung đường lên đến phố núi cũng đủ khiến người ta thích thú với thiên nhiên hùng vĩ, đủ các mảng màu siêu thực. Đưa tầm mắt bao quát thiên nhiên, bạn sẽ thấy mình nhỏ bé với đất trời Tây Bắc.
Tháng 7, những ô ruộng bậc thang hãy còn xanh màu mạ. Thấp thoáng trên triền núi, khói bếp nhà ai tỏa lên sưởi ấm tầm mắt khách phương xa. Sa Pa mùa này không có hoa ban, hoa gạo mùa xuân, nhưng vẫn khiến người phương Nam vô cùng thích thú.
Một góc phố núi Sa Pa
Đến Sa Pa, bạn sẽ không thấy bóng dáng những rặng thông ngút ngàn như Đà Lạt, nhưng nơi đây có rất nhiều cây sa mộc, một loại cây thuộc họ thông. Trong buổi sáng tinh mơ, tán cây sa mộc như chiếc lược chải vào mây, tô điểm cho vẻ đẹp của thị xã vùng cao. Đến Sa Pa, tôi cảm nhận được ngay cái lạnh của vùng cao nguyên.
Theo lời người dân địa phương, hôm chúng tôi đến, nền nhiệt tại Sa Pa đang trên, dưới 220C. Đây chính là điểm thu hút rất đông du khách đến đây vào mùa hè, trốn cái nóng của miền xuôi.
Sa Pa buổi chiều thật đẹp. Phố núi bình lặng đến không ngờ sau cơn mưa bất chợt đi qua. Những dãy nhà phảng phất kiến trúc Châu Âu nằm san sát nhau, soi bóng xuống mặt hồ trong veo. Đứng giữa Sa Pa, cứ ngỡ đang đứng giữa thị trấn nào đó của “lục địa già”. Thi thoảng, bạn còn bắt gặp những đoàn khách nước ngoài thư thả dạo bước, khiến cho cái cảm giác ấy càng thật hơn.
Đêm đến, Sa Pa ngập trong ánh đèn, những con phố trở nên lung linh, khác hẳn vẻ bình yên sau buổi chiều mưa. Nhiệt độ về đêm giảm thêm đôi chút. Tôi bước lên xe điện để dạo một vòng phố núi. Bác tài là người dân tộc Giáy, khá rành tiếng Kinh. Khi được hỏi, Sa Pa mùa nào lạnh nhất.
Bác tài xởi lởi: “Sa Pa không có mùa nào lạnh nhất. Bởi nhiệt độ dao động từ 17 đến 240C, riêng mùa đông Sa Pa không còn lạnh nữa, mà chuyển sang rét!”. Câu nói nửa đùa nửa thật của bác tài khiến tôi bật cười. Quả thật, khí hậu và cảnh sắc hùng vĩ là thứ “đặc sản” điển hình của Sa Pa, mà bất cứ du khách nào cũng muốn nếm trải!
Bác tài còn cho biết, những ai đã quen khí hậu Sa Pa khi về lại miền xuôi, dẫu có bật máy điều hòa vẫn cảm thấy nóng. Với tôi, người lần đầu trải nghiệm cái lạnh ở độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển vô cùng đặc biệt, nó giúp tâm hồn trở nên thư thái sau chặng đường dài từ miền Nam đến với nước non Tây Bắc.
Hôm sau, đoàn chúng tôi lên đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Nếu Sa Pa là nơi gặp gỡ của đất trời, thì đỉnh Fansipan là nơi chúng ta có thể chạm đến “lưng trời”. Sau 15 phút đi cáp treo qua những thung lũng hùng vĩ, tôi đến với đỉnh Fansipan quanh năm mây phủ.
Du khách chụp ảnh với biểu tượng đỉnh Fansipan
Ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, “nóc nhà Đông Dương” mang đến cho người ta cảm giác bồng bềnh, thoát tục bởi mọi thứ chìm ngập trong mây. Đến đây, dù có là người thực dụng, bạn cũng sẽ phải lắng lòng để cảm nhận thiên nhiên kỳ diệu.
Hôm chúng tôi đến, đỉnh Fansipan không mưa, tiết trời mát mẻ và mây phủ nơi nơi. Mây nhiều đến nỗi không nhìn rõ mặt người. Trong đoạn dốc đầu tiên, tôi đến chiếc cổng có hàng chữ “Thanh vân đắc lộ”. Quả thực, đứng trước cổng tam quan đậm vẻ cổ kính này, người ta có cảm giác mình đang đứng ở “cổng trời”.
Ngoài cổng tam quan “Thanh vân đắc lộ”, đỉnh Fansipan còn có Kim Sơn Bảo Thắng Tự, tháp 11 tầng, tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, đại tượng phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam… Tất cả những công trình này đều thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây, tạo nên cảm giác mơ màng, thoát tục như chốn hư không nào đó.
Nó giúp lòng người buông bỏ muộn phiền, tái tạo năng lượng cho chặng đường phía trước. Những người có kinh nghiệm du lịch Fansipan đều nói, cần chuẩn bị áo mưa mỏng để phòng thời tiết mưa bất chợt. Tuy nhiên, như một sự hữu duyên, chuyến đi của tôi chỉ ngập tràn trong mây mà không có giọt mưa nào.
Có lẽ, điểm đến lý tưởng mà bất cứ ai cũng mơ ước đặt chân đến một lần trong đời là đỉnh Fansipan, với độ cao 3.143m so với mực nước biển. Lên đến đây, mới hiểu cảm giác tự hào của mỗi người khi đến với nơi cao nhất của bán đảo Đông Dương. Hầu hết du khách đều muốn có bức ảnh check-in với nơi này, để lưu dấu kỷ niệm đẹp với Fansipan và thêm yêu quý thiên nhiên đất nước mình.
Tại Sa Pa, ngoài đỉnh Fansipan, du khách còn có thể đến với bản Cát Cát để tìm hiểu, hòa mình vào cuộc sống của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Sau chặng đường xuống bản, tôi nghe tiếng suối rì rầm. Rất nhiều du khách vận trang phục của các dân tộc thiểu số để chụp ảnh với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thác nước mộng mơ.
Đến với bản Cát Cát, người ta dễ liên tưởng đến khung cảnh của những bộ phim cổ trang nào đó. Ngồi bên bờ suối, lắng nghe giai điệu truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc là một trải nghiệm khó quên ở bản Cát Cát.
Sau những ngày trải nghiệm phố núi Sa Pa, tôi trở về với phương Nam nhiều nắng gió. Tuy nhiên, ấn tượng về vùng đất Sa Pa sẽ còn mãi, thôi thúc tôi trở lại nơi này khi có dịp, để được tận hưởng không khí trong lành, thơ mộng, đặt chân lên đỉnh Fansipan hùng vĩ và lắng nghe tiếng suối âm vang giữa núi rừng Tây Bắc.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/du-lich/diem-den/mot-thoang-sa-pa-a401077.html