Giá trị xuất khẩu gạo tăng theo từng năm
Theo ông Trần Thanh Tuấn, Phó Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương tỉnh An Giang) cho biết, An Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng lúa hằng năm đạt trên 4 triệu tấn, quy ra gạo ước đạt trên 2 triệu tấn.
Nếu như, năm 2005, sản lượng xuất khẩu gạo tỉnh An Giang đạt 661 ngàn tấn, kim ngạch 167 triệu USD, chiếm trên 8% về lượng và gần 9% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Đến năm 2015, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 543 ngàn tấn, kim ngạch 250 triệu USD chiếm 7% về lượng và 7% về giá trị xuất khẩu so với cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm (2005 -2015) về sản lượng xuất khẩu giảm bình quân gần 2%/năm nhưng về giá trị tăng trên 2%/năm.
Giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang tăng bình quân theo từng năm, nếu như năm 2005 đạt 253USD/tấn, đến năm 2024 ước 608USD/tấn – (Ảnh: Hà Anh) |
Năm 2016, sản lượng xuất khẩu gạo tỉnh An Giang đạt 395 ngàn tấn, kim ngạch 176 triệu USD, chiếm 8% về lượng và 8% về giá trị xuất khẩu so với cả nước. Đến năm 2023 sản lượng xuất khẩu đạt 580 ngàn tấn gạo, kim ngạch 339 triệu USD chiếm trên 7% về lượng và gần 7% về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 – 2023 về sản lượng tăng gần 6%/năm và về giá trị tăng gần 10%/năm.
Năm 2022, tỉnh An Giang có 23 doanh nghiệp kinh doanh gạo đã được Bộ Công Thương cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Các doanh nghiệp này có 42 nhà máy, kho chứa với sức chứa 523 ngàn tấn lúa và 552 ngàn tấn gạo; công suất xay xát đạt 628 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh An Giang có 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh với 20 nhà máy và khi chứa đạt 138.125 tấn thóc và 198.024 tấn gạo; công suất xay xát đạt 261 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ.
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh An Giang còn có 14 doanh nghiệp kinh doanh gạo được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu với tổng năng lực sức chứa đạt gần 406 ngàn tấn thóc và 370 ngàn tấn gạo; công suất xay xát đạt 325 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 390 tấn gạo/giờ. Trong khi đó, có 18 doanh nghiệp ngoài tỉnh có 29 nhà máy, kho chứa kho tại tỉnh An Giang có sức chứa đạt 151 ngàn tấn lúa và 251 ngàn tấn gạo với công suất xay xát đạt 366 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 478 tấn gạo/giờ. Như vậy, hiện nay về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuộc tỉnh An Giang giảm 9 doanh nghiệp nhưng tăng 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Nhìn vào bức tranh tình hình xuất khẩu gạo từ năm 2005 – đến nay, ông Tuấn phân tích, sản lượng xuất khẩu gạo tỉnh An Giang giảm dần qua từng năm, nếu như năm 2005 sản lượng xuất khẩu gạo đạt 661 ngàn tấn, đến năm 2024 giảm xuống còn 431 ngàn tấn. Cùng với đó, tỷ lệ sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh An Giang so với cả nước cũng giảm theo từng nằm, năm 2005 chiếm 13 % so tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước vào năm 2005) thì đến năm 2024 chỉ còn chiếm trên 5%.
Nhưng ngược lại, giá trị xuất khẩu gạo bình quân tăng dần qua từng năm, đơn cử như giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang bình quân năm 2005 đạt 253USD/tấn, đến năm 2024 ước 608USD/tấn.
“Điều này cho thấy, các quyết sách về nông nghiệp – nông dân – nông thôn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và dư thừa để xuất khẩu”, ông Tuấn đánh giá.
Những thách thức trong xuất khẩu gạo hiện nay
Cũng theo ông Trần Thanh Tuấn, bỏ qua yếu tố biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam và tỉnh An Giang nói riêng đang đối mặt với những khó khăn và thách lớn như: Cạnh tranh về giá lẫn chất lượng; chi phí cấu thành giá xuất khẩu và rào cảng trong thương mại,…
Đơn cử như việc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2024/2025 đạt trên 539 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó gần 537 triệu tấn vào tháng 9 năm 2024.
Trong khi đó, dự trữ gạo toàn cầu năm 2024/2025 đạt mức kỷ lục gần 207 triệu tấn, tăng so với dự báo trước đó gần 205 triệu tấn và tăng 199 triệu tấn so với năm 2023/2024. Điều này cho thấy, các quốc gia có sản lượng gieo trồng lúa, gạo tích cực bảo vệ các vụ mùa nhằm duy trì an ninh lương thực trong nước và đảm bảo dư thừa để xuất khẩu trong thời gian tới.
Cùng với đó, chính sách nhập khẩu của các nước đang hình thành các rào cản kỹ thuật trong thương mại nhằm đảm bảo sức khỏe con người, môi trường, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng bền vững; khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và sử dụng các biện pháp về Phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước,…
Điều đáng nói, hiện nay tỉnh An Giang vẫn chưa tiếp cận thông tin kịp thời về những động thái của các quốc gia có sản xuất lúa gạo lớn để xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu gạo từng thời điểm để làm cơ sở định hướng cho người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo biết và thực hiện.
Khi nhu cầu gạo các nước trên thế giới giảm mạnh, nguồn cung trong nước lớn hơn và cần sự hỗ trợ thu mua lúa, gạo từ các doanh nghiệp cho người nông dân, chắc chắn trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức vì số lượng doanh nghiệp quá ít so với năng lực lúa gạo trong dân.
Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng phát triển còn chậm hoặc chưa phát triển tương xứng ở một số tỉnh có sản lượng lúa, gạo xuất khẩu lớn, dẫn đến chi phí gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa kém. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo để chế biến xuất khẩu. Hợp đồng liên kết còn lỏng lẻo nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký giữa nông dân với doanh nghiệp.
Chú trọng xây dựng liên kết vùng
Cũng theo đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang, để nâng cao năng lực xuất khẩu gạo, cạnh tranh với các nước trên thế giới, cần phải đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Qua đó, góp phần hình thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, từng bước xây dựng và hình thành chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo trong tương lai.
Chú trọng phát triển liên kết, tạo thành vùng nguyên liệu lúa, gạo để chế biến xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng, giảm thiểu rủi ro biến động giá, mang lại lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, rà soát danh sách doanh nghiệp từng tỉnh, thành phố có tham gia xuất khẩu gạo và phân bố doanh nghiệp xuất khẩu gạo hợp lý, tương ứng với sản lượng sản xuất lúa gạo hằng năm của địa phương.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kho chứa lúa gạo và cơ sở xay xát ở những tỉnh, thành phố có sản lượng lúa, gạo lớn để tham gia xuất khẩu. Qua đó, góp phần giảm chi phí cấu thành nên giá xuất khẩu nhằm giải quyết lượng lúa, gạo của người nông dân khi nhu cầu thế giới có biến động giảm mạnh.
Ngoài ra, rà soát các cảng biển, cảng sông, cảng vệ tinh,…. ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng quy hoạch, kế hoạch,…. đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, nhằm giảm chi phí vận chuyển ngành hàng lúa gạo nội vùng, tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cần đẩy mạnh thông tin về tình hình sản xuất lúa, gạo của cả nước trong từng thời điểm cụ thể, cung cấp nhanh liên quan đến nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn gạo. Đặc biệt là những động thái của các quốc gia nhập khẩu gạo trên thế giới để các tỉnh biết và triển khai các giải pháp phù hợp, đảm bảo người trồng lúa, doanh nghiệp thụ hưởng từ những thông tin này.
Bên cạnh đó, nâng cao quy trình canh tác theo hướng chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo.
Nguồn: https://congthuong.vn/an-giang-lien-ket-vung-de-nang-cao-nang-luc-xuat-khau-gao-354061.html