– Đảng ta luôn khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững đất nước. Chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa là nền tảng vững chắc để tạo ra những chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Tăng cường đầu tư để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước
Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Lịch sử đã chứng minh, nhờ có văn hóa – sức mạnh nội sinh, chúng ta đã vượt qua biết bao khó khăn, chống chọi với biết bao cuộc xâm lược của các thế lực ngoại bang để giữ gìn độc lập dân tộc.
Trong các văn bản, nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Cuốn sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định sự lãnh, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Đảng đối với sự nghiệp phát triển, chấn hưng văn hóa, coi đây là động lực của CNXH và là minh chứng hùng hồn đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, nhằm cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”…
Qua phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, Quốc hội đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo chương trình, đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có nhiều đột phá: 100% tỉnh, thành phố có Trung tâm văn hóa; 80% huyện có Trung tâm Văn hóa – Thể thao đạt chuẩn; 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Hàng năm, Việt Nam sẽ tham gia ít nhất 5 sự kiện văn hóa quốc tế lớn…
Đến năm 2035, các chỉ tiêu về văn hóa sẽ đạt những thành tựu đáng kể: 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng; 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia sẽ được tu bổ; ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP; mỗi năm, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tác phẩm văn hóa – nghệ thuật tầm quốc gia và tham gia 6 sự kiện văn hóa quốc tế lớn… Cùng với đó, Quốc hội thông qua tổng vốn phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030 khoảng 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và từ nguồn khác.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, mục tiêu của chương trình nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân…
Về tổng thể, so với mục tiêu tạo nguồn sức mạnh nội sinh để đất nước cất cánh và quy mô 10 nội dung thành phần với 9 nhóm mục tiêu cụ thể cần đạt của chương trình, thì tổng vốn này không phải là nhiều. Cùng với đó, thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 – 2035, chia làm các giai đoạn, với 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể…
Chấn hưng và phát triển văn hóa là việc quan trọng và cấp thiết. Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, đảm bảo để văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại.
An Giang là tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và phong trào văn hóa – nghệ thuật phát triển mạnh mẽ… góp phần hun đúc tinh thần yêu nước trong Nhân dân và tạo động lực phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (tháng 11/2021), đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh: “An Giang luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của phát triển; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định biên giới. Những năm qua, An Giang đã tích cực triển khai quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, đồng thời thực hiện một số giải pháp bảo tồn và phát huy thế mạnh, đặc trưng văn hóa An Giang”.
Để phát huy nguồn lực văn hóa, An Giang đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa; tham gia giao lưu nghệ thuật, triển lãm thương mại, văn hóa – du lịch trong nước và quốc tế. Tận dụng nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, nơi ghi dấu chiến tích hào hùng của dân tộc, như: Núi Sam, núi Cấm, Khu Di tích miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, đồi Tức Dụp…
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho lĩnh vực văn hóa là bước đột phá quan trọng, tập trung vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và định hình bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên hiện đại. Chương trình này hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và các hoạt động văn hóa và định hướng cho những thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển bền vững, việc xây dựng và phát triển văn hóa cần được coi trọng, không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là động lực phát triển toàn diện. Ý nghĩa này đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá về chủ trương phát triển nền văn hóa Việt Nam.
HỮU NGUYÊN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/khong-the-xuyen-tac-chu-truong-phat-trien-van-hoa-a411271.html