– An Giang có gần 100km biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia). Tỉnh xác định phát triển đồng bộ Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm An Giang trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và khu vực, trung tâm kinh tế năng động, đầu mối giao thương quốc tế quan trọng để mở rộng hợp tác với Campuchia và khu vực Đông Nam Á; đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng.
Lãnh đạo tỉnh khảo sát tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
An Giang có tiềm năng kinh tế cửa khẩu rất lớn. Ngoài vai trò là vựa lúa, vựa cá tra của cả nước, An Giang còn giữ vai trò chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh vùng Tây Nam Bộ, có nhiều tiềm năng và lợi thế khai thác kinh tế biên giới, đưa hàng hóa vùng ĐBSCL vào ASEAN qua cửa ngõ Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (TX. Tịnh Biên) là cửa ngõ đường bộ quan trọng, nối Quốc lộ 91 của Việt Nam và Quốc lộ 2 của Campuchia. Khu Cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) kết nối với Campuchia qua cầu Long Bình – Chrey Thom là tuyến đường bộ ngắn nhất từ Việt Nam đến thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) với chiều dài 70km (tương lai sẽ có đường kết nối cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình). Khu Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) là khu vực duy nhất kết nối với Campuchia cả đường bộ và đường thủy.
Tiềm năng kinh tế cửa khẩu được “đánh thức” khi tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được đầu tư, kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề (Sóc Trăng), tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc kết nối với tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang. “Tới đây, các đoạn nối từ tuyến cao tốc này đến Cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình sẽ được đầu tư, liên thông với Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngang/dọc tạo thành mạng lưới giao thông liền mạch, kết nối các vùng nguyên liệu lớn của cả vùng ĐBSCL lên biên giới và ra cảng biển quốc tế” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chia sẻ.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh được xác định là Khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông – lâm – ngư nghiệp gắn với các khu vực cửa khẩu. Là cực tăng trưởng để thu hút đầu tư, động lực phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đô thị cho toàn vùng Tây Bắc tỉnh An Giang và ĐBSCL. Là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông MeKong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia. Có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng – an ninh.
Đến nay, tại các khu chức năng Khu kinh tế cửa khẩu có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực (1 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.224 tỷ đồng, trong đó có 18 dự án đi vào hoạt động.
Tiềm năng kinh tế đường thủy khu vực biên giới
Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, đến năm 2045, An Giang sẽ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu gắn liền với chiến lược phát triển chung của các vùng lân cận: TX. Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu (dự kiến trở thành TP. Tân Châu), huyện An Phú… đáp ứng các yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường, ưu tiên phát triển các loại hình thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai và hệ thống hạ tầng cơ sở hiện có. Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng thương mại biên giới…
Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm cả nước đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đã xác định một trong các định hướng nhiệm vụ, ưu tiên trọng tâm là: “Phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối ĐBSCL và TP. Phnôm-Pênh (Vương quốc Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới”… tạo ra nhiều thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu.
Khảo sát Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng giao nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ nâng cấp Cửa khẩu Khánh Bình lên Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Khánh Bình; mở Cửa khẩu phụ Khánh An – Prek Chrey. Tại Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và các sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang ở TP. Hồ Chí Minh cuối tháng 11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: “An Giang rất cần các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, phát triển các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh đó là: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm, các công nghiệp nhẹ; phát triển đô thị và nhà ở thương mai; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thương mại – dịch vụ logistics – du lịch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Tỉnh đã chọn lọc hơn 60 dự án tiềm năng để mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực này”.
“Chúng tôi cam kết sẽ luôn luôn đồng hành, phối hợp, chia sẻ và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và có sự cạnh tranh công bằng, đúng nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đầu tư, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh và phát triển kinh tế cửa khẩu”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chia sẻ.
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/khai-thac-tiem-nang-kinh-te-cua-khau-an-giang-a412622.html