Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là niềm vui, vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn, mà còn là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang trong công tác xây dựng NTM. Bên cạnh đó, sự kiện cũng là dịp ôn lại quá trình hình thành và phát triển huyện Thoại Sơn trong 45 năm; giáo dục truyền thống nhớ ơn những người đã có công vun đắp, xây dựng để huyện Thoại Sơn phát triển.
Ông Dương Ngọc Lắm – Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết: Năm 2010, huyện Thoại Sơn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, trung bình các xã đạt 5/19 tiêu chí, còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt 15,46 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo 6,6%. Năm 2018, huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, với 14/14 xã đạt chuẩn NTM. Từ nền tảng đó huyện tiếp tục giữ vững, nâng chất phần đầu các xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bước vào giai đoạn 2021-2025, với nhiều khó khăn thách thức, trong đó Bộ tiêu chí, chỉ tiêu NTM nâng cao các cấp đều được nâng cao, bổ sung nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, có chiều sâu về phát triển kinh tế, nâng cao tính thụ hưởng về văn hóa, an toàn về môi trường, chú trọng về chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Trong điều kiện nguồn lực của Trung ương và địa phương phân bổ trực tiếp cho Chương trình có hạn, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận dụng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả và đặc biệt là sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của nhân dân tại địa phương.
Đến nay, huyện Thoại Sơn đã thực hiện duy trì nâng chất 19/19 tiêu chí xã NTM và hoàn thành việc đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao ở 100% số xã trên địa bàn huyện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện duy trì, nâng chất 9/9 tiêu chí huyện NTM và thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, cũng như hoàn thành 4/4 điều kiện quy định để đề nghị công nhận huyện NTM nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ kết quả trên đã được thể hiện qua nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Với những kết quả và thành tựu đạt được, ngày 1/8/2024 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg công nhận huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện NTM năng cao năm 2023.
Đến nay, diện mạo nông thôn huyện Thoại Sơn có rất nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc và tích cực: có 100% xã (14/14) đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3/3 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (và đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh); đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Đặc biệt, 100% công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu hoặc hạ tầng xã hội thiết yếu đều được đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả, phù hợp; 100% số trường trên địa bàn các xã đạt chuẩn quốc gia theo quy định (tăng 15,38% so với năm 2018); 100% số xã có trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt Văn hóa – Thể thao đạt chuẩn; 100% số xã có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX.
Tỷ lệ người dân sử dụng điện thường xuyên an toàn đạt 99,95 % (tăng 0,14% so với năm 2018 và tăng 9,25% so với năm 2011); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,85% (tăng 7,23% so với năm 2018 và tăng 72,84% so với năm 2011); tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 96,76% (tăng 7,41% so với năm 2018 và tăng 53,58% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 73,73 triệu đồng/người/năm (tăng 58,27 triệu đồng/người/năm tương đương tăng 4,8 lần so với năm 2010)…
Thoại Sơn tự hào là một trong những huyện đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện NTM nâng cao, đạt sớm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Phó Trưởng ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong công tác lãnh chỉ đạo và đạt được kết quả đáng tự hào trong xây dựng NTM mà Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Thoại Sơn thực hiện được trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, xây dựng NTM là nhiệm vụ, hành trình thường xuyên, liên tục; đạt chuẩn huyện NTM nâng cao chỉ là kết quả bước đầu, để duy trì phát triển, nâng chất các tiêu chí huyện NTM nâng cao, hướng đến NTM kiểu mẫu là cả một hành trình dài phía trước, là việc làm khó khăn, đòi hỏi huyện phải phấn đấu xây dựng không ngừng, quyết tâm cao hơn nữa.
Từ đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Thoại Sơn cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng NTM “có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; không chủ quan, bằng lòng, tự mãn với kết quả hiện tại mà phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt hơn nữa.
Chú trọng phát huy sức mạnh sáng tạo của người dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, nâng cao vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia nhiệm vụ giữ vững thành tựu xây dựng NTM đã đạt được, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; đặc biệt quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và đặt mục tiêu là phát triển nhiều sản phẩm 4 sao, 5 sao – cấp quốc gia. Quan tâm nhiều đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn theo hướng sạch, xanh và bền vững…
Tại buổi lễ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh An Giang đã trao tặng cờ thi đua và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Đảng bộ, nhân dân huyện Thoại Sơn và các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM; UBND huyện Thoại Sơn cũng trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM nâng cao của huyện.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 31 nguồn quỹ thiện nguyện, gồm: 23 quỹ khuyến học, 8 nguồn quỹ an sinh xã hội khác, với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng, đã được Viện Kỷ lục Việt Nam xác nhận là huyện vận động xã hội hóa được nhiều nguồn quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội.