– Từ ngày 15/11 đến 15/12, trên địa bàn tỉnh diễn ra Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, với các hoạt động cao điểm, tạo điểm nhấn chiến dịch truyền thông từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Huyện Phú Tân được tổ chức điểm phát động của tỉnh, với khoảng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, người dân tham dự. Khởi động cho tháng hành động, UBND huyện Phú Tân biểu dương 10 gia đình văn hóa tiêu biểu thực hiện tốt công tác bình đẳng giới. Ban Tổ chức còn trao quà cho 10 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, 20 suất học bổng cho học sinh nữ vượt khó học tập.
Ông Võ Văn Khen (đại diện gia đình hạnh phúc tiêu biểu của thị trấn Phú Mỹ) chia sẻ: “Những năm qua, được tiếp cận từ thông tin truyền thông, tôi mới hiểu vì sao Đảng ta có chủ trương bình đẳng giới, Quốc hội ban hành Luật bình đẳng giới, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia bình đẳng giới đến năm 2030. Tôi từng nghĩ bình đẳng giới là trách nhiệm của Nhà nước, là chuyện chung của xã hội. Thế nhưng bản thân không tự xây dựng được gia đình bình đẳng thì làm sao có được một xã hội bình đẳng. Từ đó, tôi luôn phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa trên nền tảng bình đẳng, không có bạo lực, xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc”.
Đến dự lễ phát động, Lâm Minh Vy (lớp 8A4, Trường THCS Phú Mỹ) là một trong số 20 học sinh nữ được tặng học bổng. Ba mẹ ly dị nhiều năm nay, Vy sống theo mẹ, dựa vào việc buôn bán nhỏ làm sinh kế. Trong hiểu biết của Vy, bình đẳng giới là giữa nam và nữ sẽ được thụ hưởng quyền lợi như nhau trong xã hội. “Em mong muốn các bạn nữ như em lớn lên có thể làm được mọi việc theo sở thích, sở trường như nam giới. Em cũng mong toàn xã hội, trong đó có nam giới dành trách nhiệm để san sẻ, yêu thương, tạo cơ hội cho phái nữ được hạnh phúc, không có những định kiến, phân biệt” – cô học trò bộc bạch.
Truyền thông về bình đẳng giới
Tháng hành động năm 2024 mang chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Đại diện địa phương đăng cai cấp tỉnh tổ chức lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Tăng Văn Nê cho rằng, phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là phải lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi trong ứng xử về gia đình. Từ đó, dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Bảo Trân, thời gian qua, sự phối hợp trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của sở, ban, ngành, đoàn thể ngày càng chặt chẽ. Các đơn vị, địa phương còn tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác bình đẳng giới. Qua đó cho thấy, truyền thông được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến về giới, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.
Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng truyền thông về bình đẳng giới. Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ năm 2016 đến nay đã tạo ra rất nhiều hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, của cộng đồng, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết lĩnh vực (kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục).
Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam nói chung, tại tỉnh An Giang nói riêng, bên cạnh chính sách, chương trình đảm bảo an sinh xã hội, công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình, chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội; chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết bạo lực, hơn là lựa chọn im lặng. Nam giới cũng cần xây dựng niềm tin rằng họ có thể đảm đương, thực hiện tốt vai trò chăm sóc gia đình, là một phần của giải pháp để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” – đồng chí Nguyễn Thị Bảo Trân nhấn mạnh.
Theo kế hoạch triển khai của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị tổ chức lễ phát động tháng hành động theo hình thức phù hợp; tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế. Có thể tổ chức diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan; khuyến khích tổ chức cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Đặc biệt, cần tổ chức hoạt động hỗ trợ nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung. Ngoài ra, tăng cường số hóa trong truyền thông qua mạng xã hội, nhằm tiếp cận tới nhiều người dân hơn, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên… để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
MỸ HẠNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/huong-ung-thang-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi-a409495.html