– Là loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, nhạc ngũ âm cần được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, ngành chuyên môn và các địa phương đang đào tạo đội ngũ kế thừa.
Hơn 2 tháng qua, sân chùa Sóc Rè (ấp Bà Đen, xã An Cư, TX. Tịnh Biên) cứ rộn ràng tiếng nhạc ngũ âm mỗi buổi chiều. Trong không gian thiêng liêng của chùa, 25 học viên chăm chú học hỏi, tiếp thu kiến thức, kỹ thuật trình diễn nhạc cụ. Các em còn khá trẻ, lớn nhất chỉ mới 13 tuổi. Đây là điểm đặc biệt, cho thấy sự quan tâm của ngành chuyên môn và địa phương, khi lựa chọn thế hệ tiếp nối loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS Khmer.
Hàng ngày, Nèang Sóc Na (ngụ ấp Bà Đen) đều siêng năng đến chùa học nhạc. Em chọn lựa chơi đàn Rôneat Ek, khá thành thục nhạc cụ này sau thời gian tập luyện. Nèang Sóc Na chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia lớp dạy nhạc ngũ âm này. Thật ra, để chơi được nhạc ngũ âm rất khó. Lúc đầu, em cảm thấy bản thân không thể học được. Nhưng sư cả khuyên bảo, các thầy chỉ dạy tận tình, nên em tiếp cận nhanh hơn. Bây giờ, em đã đánh được nhiều bài khó, càng phấn khởi hơn”.
Nèang Sóc Na cho hay, khi tham gia lớp học đặc biệt này, em hiểu rõ tác dụng của việc trở thành nhạc công ngũ âm. Bởi lẽ, đây là loại hình biểu diễn hầu như không thể thiếu trong dịp lễ, Tết của người DTTS Khmer. Nếu biết chơi nhạc, em có thể phục vụ mọi người, mang đến niềm vui cho cộng đồng.
Ngành chuyên môn và các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị nhạc ngũ âm
Trực tiếp giảng dạy, anh Chau Sao rất lạc quan khi học trò của mình tiếp thu tốt kỹ năng chơi nhạc ngũ âm. Chau Sao chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi phải di chuyển từ xã Vĩnh Trung (TX. Tịnh Biên) qua đây để hướng dẫn các em. Đường xa, nhưng tôi không ngại cực khổ, chỉ mong các em học tốt, chơi nhạc giỏi là mừng lắm. Trong 25 học viên theo học lớp nhạc ngũ âm, một số em tiến bộ nhanh, có thể chơi được những bài phức tạp. Nếu được bồi dưỡng, các em có thể biểu diễn ở sự kiện lớn của địa phương”.
Theo lời Chau Sao, nhạc ngũ âm Khmer có số lượng bài bản khá phong phú, khả năng diễn đạt cảm xúc đa dạng tùy theo ngữ cảnh. Việc học viên có thể chơi tốt các bài cơ bản sau 2 tháng tiếp cận là điều tích cực, giúp các em có động lực gắn bó lâu dài với loại hình âm nhạc truyền thống này. Để trở thành nhạc công thật sự, các em cần phải học thêm từ 6 tháng đến 1 năm nữa. Bản thân Chau Sao cũng sẵn sàng hướng dẫn, nếu học viên thực sự muốn gắn bó.
Có mặt tại lễ bế giảng lớp truyền dạy nhạc ngũ âm, ông Chau Dách (thành viên Ban À cha chùa Sóc Rè) không giấu được niềm vui. Ông rất phấn khởi khi thế hệ trẻ được đào tạo, hướng dẫn chơi nhạc cụ truyền thống của DTTS Khmer. Hiện nay, số lượng thanh niên Khmer đam mê âm nhạc truyền thống không nhiều, nên lớp học này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục các em giữ gìn loại hình nghệ thuật của cha ông.
“Tôi rất cảm ơn chính quyền và ngành chuyên môn đã giúp đỡ, mở lớp dạy nhạc ngũ âm tại chùa Sóc Rè. Nếu không có lớp học này, thanh niên DTTS Khmer ở ấp Bà Đen không mấy người biết nhạc ngũ âm. Từ giờ, tôi sẽ cố gắng động viên các cháu tập luyện nhiều hơn, để dạy lại cho nhiều người cùng biết. Tôi mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi có thêm nhiều lớp dạy nhạc tương tự” – ông Chau Dách mong mỏi.
Bà Bùi Thị Phương Mai, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: “Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS tại An Giang, đơn vị phối hợp UBND TX. Tịnh Biên mở lớp truyền dạy nhạc ngũ âm trong đồng bào DTTS Khmer. Đến nay, lớp học đã thành công, tạo được nguồn lực trẻ cho loại hình âm nhạc truyền thống này. Trong tương lai, các em trở thành nghệ nhân giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với đó, địa phương xây dựng được đội nhạc ngũ âm chuyên nghiệp để phục vụ cho bà con trong dịp lễ hội ở phum, sóc, cũng như sự kiện giao lưu, giới thiệu văn hóa DTTS Khmer trong, ngoài tỉnh”.
Bà Bùi Thị Phương Mai cho hay, đơn vị tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện mở lớp truyền dạy nhạc ngũ âm tại nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, nhằm tạo lan tỏa trong việc bảo tồn, phát huy loại hình âm nhạc độc đáo này. Qua đó, giúp nhạc ngũ âm tiếp tục vang vọng, mãi là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS Khmer tại An Giang.
Nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào DTTS Khmer (Pinn Peat) là dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ làm từ 5 loại chất liệu khác nhau, tạo nên 5 âm sắc riêng biệt, gồm: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội… của đồng bào DTTS Khmer. |
THANH TIẾN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/giu-gin-tieng-nhac-ngu-am-a409822.html