Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Với vai trò là “người gác cửa” ngân sách quốc gia, Bộ Tài chính đã đề xuất thực hiện các giải pháp mạnh trong quản lý ngân sách. Cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung chế độ định mức chi tiêu ngân sách; quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi khi có dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Đồng thời, xử lý nghiêm sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào ngân sách nhà nước đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi…
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn từ năm 2016 – 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Trong hai năm 2022 và 2023, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài các khoản chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi cho con người và một số nhiệm vụ không thể cắt giảm. Với các nguyên tắc cắt giảm như trên, đến hết năm 2020 đã cắt giảm khoảng 930 tỷ đồng. Năm 2021, 2022 giảm thêm khoảng 180 tỷ đồng/năm và năm 2023 tiếp tục cắt giảm khoảng 90 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển đã nhanh chóng tăng trở lại và đạt mức 33,1% vào năm 2023. Điều này cho thấy, sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực của Chính phủ đối với việc đầu tư vào phát triển kinh tế – xã hội nhằm tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển của đất nước.
Các chuyên gia kinh tế nhận đinh: Việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thời gian qua của Bộ Tài chính được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực, tập trung chi cho đầu tư phát triển và bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội cũng như các lĩnh vực quan trọng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc tiết kiệm chi ngân sách giúp giảm áp lực tài chính cho Nhà nước, tạo nguồn lực để tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết như: cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và các chương trình an sinh xã hội. Đặc biệt, khi nền kinh tế gặp khó khăn, ngân sách bị thâm hụt, tiết kiệm chi tiêu trở thành giải pháp thiết thực để duy trì ổn định tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, tiết kiệm chi ngân sách còn giúp giảm tình trạng lãng phí, tham nhũng và các khoản chi không cần thiết, thúc đẩy việc sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tăng minh bạch trong quản lý ngân sách. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước làm việc hiệu quả và đạt được kết quả cao hơn trong các hoạt động công vụ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, việc tiết kiệm chi ngân sách ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như sự thiếu đồng bộ trong các chính sách; chưa có những biện pháp quyết liệt để giảm chi cho bộ máy hành chính. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, đầu mối, hoặc cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết.
Tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 31/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Hiện nay, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội… mà ít nhất phải có trên 50% ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ trên.
Tổng Bí thư phân tích: Không thể tăng lương vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 – 90% chi ngân sách và không còn tiền để làm các hoạt động khác. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một số chương trình, dự án đầu tư công vẫn còn chậm trễ, chưa đạt hiệu quả cao đã khiến cho việc tiết kiệm chi ngân sách chưa thể đạt được như kỳ vọng, ảnh hưởng đến khả năng tái đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu.
Các biện pháp để tiết kiệm chi ngân sách là cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, sắp xếp lại bộ máy hành chính; đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công; tăng cường kiểm soát, giám sát chi tiêu công; tận dụng công nghệ trong quản lý tài chính.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ, một trong những giải pháp cơ bản nhất giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy; đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương. Từ đó, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác.
Tiết kiệm chi ngân sách không chỉ đơn thuần là cắt giảm các khoản chi tiêu, mà còn là việc cải thiện chất lượng chi, đảm bảo rằng từng đồng ngân sách được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ trong việc phân bổ và giám sát chi tiêu công, từ cấp trung ương đến địa phương. Các chương trình, dự án đầu tư công cần được rà soát kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát và thiếu minh bạch. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và công khai minh bạch thông tin tài chính, tạo điều kiện để người dân và các tổ chức giám sát.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách tiết kiệm chi cần được thực hiện song song với các biện pháp nâng cao nguồn thu ngân sách như đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và đầu tư, cũng như chống thất thu thuế. Cải cách hành chính cần tập trung vào việc loại bỏ các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/kinh-te/tieu-dung-thi-truong/giam-ganh-no-cong-a410606.html