– Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là cơ hội nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và phát triển kinh tế – xã hội. Không nằm ngoài xu thế này, An Giang đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Triển lãm chuyển đổi số lĩnh vực viễn thông, công nghệ
Nhanh chóng, tiện lợi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, thời gian qua, chuyển đổi số giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trở nên tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công khai và minh bạch; cải thiện chất lượng dịch vụ công cung cấp bởi các cơ quan quản lý. Người dân dễ dàng tiếp cận thông tin qua Internet, như: Tra cứu thông tin, học tập trực tuyến, theo dõi tin tức và chia sẻ kiến thức…
Năm 2024, kết quả chuyển đổi số tỉnh An Giang tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố và xếp loại “Tốt”; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp toàn trình đạt 100%; Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh; tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Nhiều địa phương, bệnh viện, trường học áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 11/11 huyện, thị xã, thành phố triển khai chiến dịch ra quân các tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân về 5 kỹ năng số cơ bản.
Chị Nguyễn Thị Kiều Duyên (tiểu thương chợ Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) cho biết: “Thời gian gần đây, khách đến ăn bún cá, nhất là học sinh thường thanh toán bằng cách quét mã QR. Việc chuyển khoản vừa nhanh, vừa không mất phí. Tôi không cần phải chuẩn bị nhiều tiền lẻ để thối lại khách. Thanh toán không dùng tiền mặt thế này thuận lợi cho người bán lẫn người mua”.
Anh Phan Thanh Tân (ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Việc thanh toán hóa đơn tiền điện, nước qua app ngân hàng thật tiện ích, giúp tôi tiết kiệm thời gian đến công ty điện, nước đóng tiền, không còn cảnh nhân viên thu tiền đến nhà nhưng tôi không có nhà. Đa số hóa đơn lẻ vài chục đồng, không thể chi trả tiền mặt, trong khi thanh toán trên app sẽ chính xác, đầy đủ, tiện lợi. Hiện giờ, tôi ít dùng tiền mặt, vì chỗ kinh doanh, buôn bán lớn nhỏ đều có mã QR để khách thanh toán”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực
Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 22/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể hóa. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, An Giang thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh (nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch…). Đồng thời, nâng cao hoạt động hiệu quả quản lý, điều hành cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của DN, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số; phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP…
Mục tiêu định hướng đến năm 2030, tỉnh hoàn thiện cơ bản việc xây dựng chính quyền số; cơ quan Nhà nước chỉ đạo, điều hành trên dữ liệu thực; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của đơn vị. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động. 100% cơ quan Nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Tỉnh phấn đấu kinh tế số đạt 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 20%; 70% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% DN sử dụng hợp đồng điện tử; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Về xã hội số, 95% người dân, DN được trang bị kỹ năng số và quy tắc ứng xử trên môi trường số; có thể tham gia hoạt động học tập, lao động, sản xuất, đời sống và sinh hoạt trên môi trường số.
Khoảng 80% dân số, 100% DN có tài khoản giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử. Tỉnh phổ cập dịch vụ mạng di động 5G và các công nghệ sau 5G; 95% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 95% dân số có điện thoại thông minh; 90% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng.
“Để thực hiện mục tiêu trên, sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đồng thời, lựa chọn khâu đột phá, lĩnh vực ưu tiên thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương mình, quyết tâm triển khai thành công kế hoạch đề ra” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.
THU THẢO
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/dua-chuyen-doi-so-vao-cuoc-song-a409293.html