Nhắc đến mùa len trâu ở các tỉnh miền Tây, có lẽ nhiều người sẽ nhớ đến hình ảnh đàn trâu hàng trăm con vượt qua những cánh đồng ngập nước để tìm kiếm thức ăn trong Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn Sơn Nam.
Nhiều người cho rằng mùa len trâu không còn tồn tại, bởi cơ giới hóa đã len lỏi vào tận những cánh đồng xa nhất của bà con xứ này (Ảnh: Hải Long).
Những ngày giữa tháng 10, trong chuyến công tác miền Tây qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, cứ ngỡ hình ảnh đàn trâu chạy đồng nước không còn nữa. Thế nhưng khi đi qua vùng đất Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh đàn trâu hàng trăm con đang băng qua cánh đồng rộng lớn gần thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Vào mùa nước nổi, nhiều cánh đồng bị ngập nước, nước ngập thì cỏ ngập, cỏ ngập thì trâu đói. Suốt mấy tháng nước nổi, trâu không có cái ăn nên “ốm nhom ốm nhách”, thế là đoàn người lại lên đường đi tìm nguồn thức ăn cho trâu.
Đàn trâu chạy đồng nước để đi tìm những đồng cỏ mới gần thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Nhiều cánh đồng ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp nước đã tràn đồng, nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đổ về mang theo phù sa, tôm cá… mùa này kéo dài khoảng 3-4 tháng.
Nhưng với những người len trâu, nước ngập khiến họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn thức ăn cho đàn trâu khan hiếm (Ảnh: Hải Long).
Ông Nguyễn Văn Hồng (49 tuổi), còn được bà con trong vùng hay gọi với cái tên ông Lục Bình. Ông Hồng đang nuôi một đàn trâu gần 60 con, cũng là người có số lượng trâu lớn nhất ở thị trấn Sa Rài. Theo ông Hồng, qua bao nhiêu năm theo nghề, với nhiều thăng trầm, mùa len trâu giờ đây đã khác xưa rất nhiều (Ảnh: Hải Long).
Ông Hồng bắt đầu nuôi trâu từ khi mới 20 tuổi, bao nhiêu tiền tích lũy đều dồn vào mua một cặp trâu Campuchia, nuôi được một thời gian thì ông bán đi, lấy tiền đó mua lại mấy con trâu mẹ, từ 4-5 con trâu này lại sinh sản ra thêm, số lượng mỗi lúc một nhiều hơn. Từ đó cuộc sống của ông gắn liền với những chú trâu, nghề len trâu cũng trở thành công việc chính của ông.
“Khoảng 15 năm trước, đàn trâu của tôi xấp xỉ cả trăm con, nhưng mỗi năm tôi bán đi một ít, từ khi có đàn trâu, gia đình tôi khấm khá hơn, xây nhà, nuôi 4 người con ăn học nên người”, ông Hồng nói (Ảnh: Hải Long).
Hình ảnh người len đàn trâu hàng trăm con nối đuôi nhau băng qua những cánh đồng ngập nước, ăn ở giữa đồng cả tháng cùng đàn trâu đã không còn nhiều ở các tỉnh miền Tây (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Anh Dương Văn Quý (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cứ đến mùa nước nổi, khi các bãi cỏ, đồng ruộng bị thu hẹp do ngập nước, anh Quý sẽ lùa đàn trâu của mình về thị trấn Sa Rài để nhập vào chung bầy với 5-7 đàn trâu khác.
Mỗi ngày anh Quý sẽ nấu cơm từ sáng sớm, sau đó mang theo ra đồng chăn trâu, đến trưa anh sẽ vào cái chòi dựng tạm ngoài đồng để nghỉ ngơi (Ảnh: Hải Long).
Cách thị trấn Sa Rài khoảng 5km, ông Đoàn Văn An (34 tuổi, Đồng Tháp), đang len đàn trâu gần 40 con của mình băng qua cánh đồng nước mênh mông để tới bãi cỏ cao hơn cho trâu ăn (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
“Tôi theo đàn trâu cũng hơn 20 năm, mùa nước nổi, kẹt đồng cũng không dễ dàng gì. Chạy đồng mà sơ suất bị vỡ đồng thì khổ lắm chú ơi. Chủ ruộng dễ thì không sao, gặp người khó tính họ không cho trâu vào ăn cũng phải chịu thôi”, anh An bộc bạch (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Ông Đoàn Văn Nhổi (em trai của ông An) cũng ra đồng phụ anh trai lùa trâu tìm bãi chăn thả mùa nước nổi.
“Đàn trâu này trước đây là của cha tôi nuôi, nhưng giờ cha lớn tuổi, không ra đồng được nữa nên để lại cho hai anh em tôi chăm sóc. Hồi xưa trâu trong vùng nhiều, cha tôi phải len đàn trâu đi cả tháng, khắp các cánh đồng ở xa, nhưng giờ trâu trong vùng ít đi nhiều, bãi chăn gần nhà cũng đủ cỏ cho trâu ăn, vậy nên không đi len xa nhà nữa”, ông Nhổi nói (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Hình ảnh những đàn trâu đi ăn đen kịt trên những cánh đồng mùa nước nổi cùng với đàn cò trắng bay rợp trên lưng trâu đã trở nên hiếm thấy ở tỉnh miền Tây.
Theo một số lão nông trong vùng, ngày xưa chưa có máy móc cơ giới hóa, trâu, bò là sức kéo chính, trâu có giá nên nhiều người chăn nuôi, nhưng hiện tại máy móc đã tham gia vào sản xuất, trâu nuôi cũng không có giá nên số lượng giảm, nhiều người đã bỏ nghề len trâu (Ảnh: Hải Long).
Trên cánh đồng cạnh thị trấn Sa Rài buổi xế chiều, hình ảnh những chú mục đồng í ới nhau cho trâu tắm, cưỡi trâu đùa nghịch đã trở nên hiếm hoi (Ảnh: Hải Long).
Chiều về, đàn trâu sẽ được chủ len tập trung lại một bãi, chú trâu đầu đàn sẽ buộc lại và cho đàn trâu nghỉ ngơi giữa đồng (Ảnh: Hải Long).
Từ bao đời nay, con trâu là một trong những tài sản quý nhất của người nông dân, bởi có trâu mới có đất cày, có trồng lúa, người dân mới có cái ăn, cái no.
Dưới ánh chiều tà hình bóng của ông Hồng, ông An, những chú mục đồng, những người nông dân hào sảng miền Tây cùng đàn trâu trên đồng khiến khung cảnh miền quê trở nên bình dị hơn bao giờ hết. Và chúng tôi tin rằng mùa len trâu sẽ còn mãi ở vùng đất này (Ảnh: Trịnh Nguyễn).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/di-tim-mua-len-trau-o-canh-dong-nuoc-noi-mien-tay-20241026015100656.htm