Một sáng cuối tuần của bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn bỗng thêm vui tươi, phấn khởi bởi tiếng Trống Chha-dăm từ ngôi chùa Snaydonkum đang âm vang khắp phum sóc. Trống Chha dăm là một phần không thể thiếu của văn hóa dân gian với ý nghĩa lịch sử và tâm linh đặc biệt đối với người Khmer An Giang, thời gian qua được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, các chức sắc uy tín của vùng đồng bào dân tộc và chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều mặt công tác nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Một tiết mục múa Trống Chha-dăm do các em đồng bào dân tộc Khmer phường An Phú, thị xã Tịnh Biên biểu diễn
Là một điệu múa dân gian độc đáo, gắn bó mật thiết với đồng bào Khmer ở các tỉnh Nam bộ như An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…Múa Trống Chha –dăm có ý nghĩa lịch sử và tâm linh đặc biệt đối với cộng đồng dân tộc Khmer. Được ví như linh hồn của các lễ hội truyền thống dân tộc, Múa trống Chha- dăm thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Ok Om Bok, lễ Chol Chnam Thmay hoặc trong các dịp vui chơi, giải trí dân gian…. nội dung các bài múa thường kể về những trận đánh của các chiến binh Khmer, truyền thuyết về các vị thần, những câu chuyện lịch sử quan trọng đôi khi là những ước muốn mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa của bà con Khmer…
Với múa trống Chha-dăm, trống là nhạc cụ chính, không thể nào thiếu được. Để tạo ra một chiếc trống Chha-dăm hoàn chỉnh là cả một quá trình khéo léo của các nghệ nhân trong các khâu chế tác từ việc tỉ mỉ lựa chọn từng khối gỗ làm thân trống, da làm mặt trống phải được mài cho thật mỏng và khi căng da trên mặt trống phải làm sao đảm bảo được độ căng đều, tạo ra thanh âm trong trẻo và đặc trưng nhất của trống.
Để có thể thực hiện múa trống Chha-dăm, việc đầu tiên là phải học đánh trống đúng nhịp, sau khi nhuần nhuyễn các động tác đánh trống, người chơi sẽ học cách phối hợp giữa tiết tấu của trống và điệu bộ hình thể, điều này đòi hỏi người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, để vừa đánh trống vừa có thể khéo léo di chuyển theo nhịp trống. Không chỉ đóng vai trò là nhạc cụ chính, Trống Chha-dăm còn là linh hồn kết nối các bài nhạc truyền thống và điệu múa đặc sắc trong văn hóa Khmer, trong nhịp trống lúc nhanh, lúc chậm, khi nhẹ nhàng lúc lại sôi nổi cùng sự kết hợp thanh âm của chiên, chũm chọe người múa trống khéo léo thực hiện các điệu múa dân gian truyền thống của người Khmer một cách nhịp nhàng, duyên dáng.
Những nhịp trống căng giòn, những động tác hình thể uyển chuyển cùng bước chân linh hoạt và nhịp nhàng theo nhịp trống, với sự kết hợp này, Trống Chha – dăm đã tạo nên nét đẹp văn hoá truyền thống đặc sắc cho đồng bào dân tộc Khmer. Cũng như những loại hình nghệ thuật dân gian khác, Múa trống Chha –dăm là niềm tự hào của mỗi người dân đồng bào Khmer và là hồn cốt của dân tộc. Để tránh nguy cơ mai một loại hình này, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh An Giang (Dự án 6) của Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong năm 2024 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã phối hợp cùng các vị chức sắc uy tín trong đồng bào dân tộc cùng chính quyền địa phương tổ chức 02 lớp truyền dạy Trống Chha –dăm cho gần 50 thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã Ô Lâm huyện Tri Tôn và phường An Phú, thị xã Tịnh Biên.
Lễ khai giảng Lớp truyền dạy Trống Chha – dăm trên địa bàn phường An Phú, thị xã Tịnh Biên
Có mặt trong buổi khai giảng lớp truyền dạy Trống Chha – dăm tại chùa Tà Ngáo, phường An Phú thị xã Tịnh Biên chúng tôi đã bặt gặp những đôi mắt tò mò, háo hức và sự nôn nóng được chạm tay vào chiếc Trống Chha – dăm của các em học viên. Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Chau Khi, trụ trì chùa Tà Ngáo trải lòng: “ Trống Chha –dăm được ví như linh hồn trong các dịp lễ hội, nghi thức tôn giáo, hay hoạt động nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer, từ lâu rồi Sư luôn trăn trở tìm một cách nào đó để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa này cho đồng bào dân tộc của mình và hôm nay được sự quan tâm của UBND tỉnh, chính quyền địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi tổ chức các lớp truyền dạy, Sư rất vui và tin rằng sau lớp học các em dân tộc Khmer sẽ thêm lòng tự hào và yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, tích cực tham gia gìn giữ và lưu truyền trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.”
Dưới ánh nắng chiều vàng nhẹ, những nhịp trống vui tươi đầu tiên của các em học viên âm vang khắp sân chùa, nhìn sự miệt mài quyết tâm của các đôi tay còn vụng về lướt trên mặt trống, chúng tôi biết và tin một điều rằng chính các em là những người “giữ lửa” tiếp nối truyền thống của cha ông, để loại hình đặc sắc này luôn được lưu truyền, thanh âm của tiếng Trống Chha-dăm luôn vang vọng trong đời sống tinh thần của bà con vùng bảy núi bình yên./.
Nguồn: https://sovhttdl.angiang.gov.vn/de-tieng-trong-chha-dam-luon-am-vang-tren-tung-phum-soc