Ngày 7/11/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tín dụng ưu đãi thực hiện 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, đây là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Đề án đã tạo sự khích lệ đối với nông dân và doanh nghiệp đang tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để thực hiện đề án, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại là huy động từ nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn vốn tín dụng. Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiên phong tham gia Đề án, đây là cú hích, động lực quan trọng, thúc đẩy thành công của đề án trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT đã cùng 12 tỉnh rà soát toàn bộ hiện trạng hạ tầng sản xuất vùng dự án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hạ tầng hỗ trợ vận chuyển, cơ giới hóa đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương tham gia đề án, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh; bảo đảm thống nhất, không chồng chéo với các dự án mà các cơ quan Trung ương và địa phương đã, đang và sẽ triển khai đầu tư về thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.
“Mục đích chính của đề án này là tổ chức lại sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, cho nên trong sản xuất lại chuỗi liên kết thì khó nhất là chuyển đổi tư duy của người sản xuất và người kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã báo cáo về tình hình triển khai Đề án theo Quyết định 1490/QĐ-TTg; công tác triển khai hướng dẫn nội bộ của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) về Chương trình cho vay ưu đãi 01 triệu hec-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Đặc biệt, các Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân chia sẻ về dự kiến, kế hoạch tham gia Đề án, các khó khăn phải đối mặt để các bên có liên quan cùng chung tay tháo gỡ…
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tại An Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng… cũng đã có các phát biểu, đánh giá cao việc triển khai Đề án. Thông qua thực hiện liên kết, người nông dân đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu canh tác, tưới tiêu, trồng trọt..; Doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính; Sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo uy tín và cam kết không phá vỡ thỏa thuận trong mô hình chuỗi liên kết, có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia khi giá cả thị trường biến động; Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong các khâu.