– An Giang không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế – xã hội (KTXH). Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên phong phú và con người năng động, An Giang đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực.
Vui Xuân không quên nhiệm vụ
An Giang là một trong những vựa lúa lớn của cả nước, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ. Ngoài lúa, tỉnh còn có tiềm năng phát triển các loại cây trồng khác, như: Cây ăn trái, rau màu và thủy sản. Về du lịch (DL), An Giang có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm… Đây là những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho ngành DL phát triển. Bên cạnh đó, với đường biên giới giáp Campuchia, An Giang có lợi thế giao thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế biên mậu.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tháng đầu năm 2025, UBND tỉnh tập trung quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp cụ thể – vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ. Về sản xuất nông, lâm, thủy sản, trồng trọt, toàn tỉnh xuống giống cho vụ mùa đông xuân đảm bảo lịch thời vụ, góp phần hạn chế sâu bệnh và né tránh khô hạn. Đến nay, tỉnh xuống giống được hơn 227.600ha lúa (đạt gần 99,9% kế hoạch), 13.500ha hoa màu (đạt 78,9% kế hoạch).
Trong tháng 1/2025, có trên 1,1 triệu lượt du khách đến An Giang
Tổng sản lượng nuôi thủy sản trong tháng 1 đạt 39.000 tấn (tăng 1.500 tấn so cùng kỳ). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,66% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá và ổn định, trong đó, ngành công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng khu vực công nghiệp. Ngành chế biến thực phẩm đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong dịp Tết Ất Tỵ. Quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Gạo xay xát, quần áo may mặc, da giày… tăng trưởng khá.
Tổng mức doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt hơn 22.066 tỷ đồng (tăng 17,2%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng đạt 126 triệu USD (tăng 6,18% so tháng trước và tăng 5,55% so tháng cùng kỳ). Trong đó, xuất khẩu đạt 104,8 triệu USD (tăng 2,3% so tháng trước, tăng 3,09% so tháng cùng kỳ). Về du lịch DL, An Giang đón khoảng 1,1 triệu lượt khách (tăng 214%). Doanh thu từ hoạt động DL đạt 1.320 tỷ đồng (tăng 120%).
Có 83 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 270 tỷ đồng (so cùng kỳ, số DN tăng 10,67%, vốn đăng ký giảm 26,83%); có 87 DN hoạt động trở lại. Đồng thời, tiếp nhận 4 hồ sơ đăng ký đầu tư mới. “Công tác bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí; quốc phòng – an ninh được giữ vững” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.
Phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2025, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện theo quy định, lộ trình của Trung ương, Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 10%. Triển khai xây dựng Đề án nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng đạt mức 2 con số giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ trọng tâm để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, Nhân dân tích cực tham gia” – đồng chí Hồ Văn Mừng đề nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Các ngành, các cấp phát huy tối đa mặt tích cực, kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2025; nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập trong quá trình điều hành phát triển kinh tế. Chủ động khẩn trương thực hiện giải pháp có tính bứt phá để phát triển ngành và địa phương, phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch kịnh bản tăng trưởng kinh tế quý I và cả năm 2025, góp phần bù đắp và thực hiện cao nhất chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đề ra.
Tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa nếp, rau màu và cây ăn trái vụ đông xuân 2024 – 2025; thực hiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng trên lúa, cây ăn trái theo kế hoạch; triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang trong vụ đông xuân 2024 – 2025… Thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn dự án, thu hồi dự án đầu tư công chậm tiến độ, xử lý tài sản công theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với đó, đẩy mạnh xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo dự toán quý I/2025. Rà soát, cân đối nguồn cung cấp cát, đá cho cao tốc, công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đặc biệt, tỉnh tập trung chuẩn bị tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh. Tiếp tục quan tâm chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh; đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội.
Với quyết tâm cao độ, sự lãnh đạo đúng đắn và sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân, tin tưởng An Giang sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển KTXH quý I/2025, tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
THU THẢO
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/chung-suc-dong-long-vi-su-phat-trien-cua-an-giang-a415305.html