– Nhận thức tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Chợ Mới quan tâm, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác rà soát tổng thể các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trình tự đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.
Chợ Mới quảng bá sản phẩm OCOP
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc cho biết: “Qua các kỳ hội chợ, ngày hội do tỉnh, huyện tổ chức, giúp quảng bá sản phẩm, tiềm năng thế mạnh, sản phẩm đặc trưng, OCOP của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận, lựa chọn mua sắm với nhiều hàng hóa Việt Nam có chất lượng, giá cả phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở địa phương quan tâm, đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị tiên tiến, gia tăng sản lượng, chất lượng cùng mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp, đẹp mắt, để tăng hiệu quả quảng bá và tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn ở thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Năm 2024, An Giang có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam. Ba sản phẩm được công nhận đều ở huyện Chợ Mới, gồm: Khô cá lóc của Hộ kinh doanh Kim Loan (xã Long Kiến); bộ sản phẩm cơm cháy chà bông – Nguyệt My, cơm cháy gạo lứt chà bông – Nguyệt My của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nông Phát Đạt (xã Hòa Bình) và bún tươi Chợ Mới – Tám Hưng của Hộ kinh doanh Võ Thị Đính (thị trấn Chợ Mới).
“Huyện trân trọng tôn vinh những đóng góp tích cực của các chủ thể trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Các sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam là các sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước” – Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc chia sẻ.
Gần đây, sản phẩm bì sợi Kim Xuyến (xã Hội An) khá nổi tiếng nhờ chất lượng. Đầu tháng 4/2024, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Chợ Mới công nhận đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giúp nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (chủ Hộ kinh doanh bì sợi Kim Xuyến) chia sẻ: “Đạt OCOP giúp cơ sở quảng bá sản phẩm vươn xa và có sức cạnh tranh, sản phẩm tiêu thụ nhiều hơn”.
Với niềm đam mê kinh doanh từ nhỏ, bà Trần Thị Thu Trang (xã Tấn Mỹ) đưa cơ sở sản xuất – kinh doanh nhỏ, lẻ của gia đình trở thành thương hiệu tương hột Trường Thọ nổi tiếng trong và ngoài địa phương. Sản phẩm tương hột Trường Thọ được sử dụng từ hạt đậu nành nguyên chất, chế biến từ đường thốt nốt và muối trắng… Nguyên liệu sử dụng để chế biến tương hột làm từ thiên nhiên, không hóa chất độc hại và mang hương vị độc đáo, khác biệt hoàn toàn so các sản phẩm khác cùng loại trên thị trường. “Được chứng nhận sản phẩm OCOP đã mở ra nhiều kỳ vọng cho sản xuất – kinh doanh tương hột Trường Thọ” – bà Trần Thị Thu Trang (chủ Cơ sở sản xuất tương hột Trường Thọ, huyện Chợ Mới) chia sẻ.
Sản phẩm khô cá lóc Kim Loan
Nhiều năm đạt sản phẩm OCOP và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam là tiền đề để chị Nguyễn Thị Kim Loan (chủ hộ kinh doanh khô cá lóc Kim Loan) phát triển hơn. “Cơ sở sẽ thường xuyên cải tiến bao bì và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu và tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng” – chị Kim Loan chia sẻ.
Ông Trần Lê Hùng (Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tiến Anh, thị trấn Chợ Mới) chia sẻ: “Với 3 hương vị chính: Đậu, mè và Chocolate, sản phẩm bánh hạnh nhân được khách hàng trong nước yêu thích. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh và 2 lần được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ĐBSCL và cấp quốc gia. Trở thành đặc sản của huyện Chợ Mới là động lực để công ty đầu tư, nâng cao chất lượng, tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tạo việc làm cho lao động và nâng tầm sản phẩm địa phương”.
Chợ Mới đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Rà soát các sản phẩm đặc trưng của huyện để tham gia chương trình OCOP. Duy trì điều kiện sản xuất của các chủ thể kinh tế và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các sản phẩm chuẩn bị hết hạn lập hồ sơ đăng ký công nhận lại. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng mẫu mã hàng hóa. Trong đó, chú ý đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, coi đây là trách nhiệm của mỗi cơ sở, doanh nghiệp.
Năm 2024, UBND huyện Chợ Mới đã xét phân hạng và phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận 19 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn huyện hiện có là 21 sản phẩm (trong đó có 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 19 sản phẩm OCOP 3 sao). |
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/cho-moi-phat-trien-nang-tam-san-pham-ocop-a410684.html