(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 20-5, UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh An Giang (Chương trình), với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2024 là 100.874 triệu đồng.
Hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Cụ thể, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 3,5%. Tập trung triển khai nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường ô tô đến trung tâm xã; cứng hóa đường giao thông khóm, ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo đến năm 2025, đạt mục tiêu 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa, phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 70% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; phấn đấu trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn.
Tập trung hỗ trợ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo không có đất ở và nhà ở. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 92% năm 2024 và phấn đấu đến hết giai đoạn 2025 đạt trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%.
Tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ dân tộc thiểu số có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trong đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 15%.
Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đến năm 2025 có 80% ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điểm sinh hoạt cộng đồng phù hợp; 50% ấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Phấn đấu hằng năm trên 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Để đạt mục tiêu, An Giang nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các sở, ngành và địa phương, lồng ghép có hiệu qủa với các Chương trình, dự án, chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ theo kế hoạch được giao.
Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định và phân cấp của Trung ương; đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện chương trình; xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả; hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; nâng cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động, quyết tậm, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo; giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn vùng dân tộc.
Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, cơ quan quản lý điều hành Chương trình các cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chương trình tại đơn vị địa phương, để kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình; Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân./.
Nguồn: Quyết định số 825/QĐ-UBND ngày 20/5/2024
Hải Nhu