– 30 năm hình thành và phát triển, cán bộ, đảng viên của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh luôn kiên định mục tiêu xây dựng hệ thống bảo hiểm hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân một cách hiệu quả, công bằng. Phóng viên Báo An Giang có cuộc phỏng vấn Giám đốc BHXH An Giang Đặng Hồng Tuấn xoay quanh nội dung này.
P.V: Ông có thể chia sẻ những cột mốc quan trọng của tỉnh trong chặng đường 3 thập kỷ này?
Ông Đặng Hồng Tuấn:
30 năm qua là một hành trình đầy thử thách, nhưng cũng rất đáng tự hào. Khi mới thành lập, BHXH tỉnh chỉ có 50 cán bộ, viên chức, đối tượng tham gia BHXH rất hạn chế. Đến nay, đã có 221 cán bộ, viên chức ngành; phát triển mạng lưới phục vụ khắp các huyện, thị xã, thành phố. Về diện bao phủ, nếu như năm 1996 chỉ có 30.435 người tham gia BHXH bắt buộc, thì đến năm 2024, con số này đã lên đến 124.432, tăng hơn 4 lần.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội An Giang Đặng Hồng Tuấn
Đặc biệt, BHXH tự nguyện – một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc – từ chỗ chỉ có 49 người tham gia năm 2008, đến nay đã có 29.707 người. Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng có bước tiến dài, khi năm 2005 mới bao phủ 50% dân số, nay đạt 93% (hơn 1,7 triệu người có thẻ BHYT). Tổng thu quỹ bảo hiểm từ năm 1996 đến nay tăng 176 lần, chứng minh sự phát triển bền vững, hiệu quả của chính sách an sinh xã hội.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về những tác động của chính sách BHXH, BHYT đối với đời sống Nhân dân tỉnh nhà?
Ông Đặng Hồng Tuấn:
Có thể khẳng định, chính sách BHXH, BHYT đã trở thành bệ đỡ an sinh cho hàng triệu người dân An Giang. Đối với người lao động, BHXH không chỉ là khoản tiết kiệm cho tuổi già, mà còn là tấm lưới bảo vệ trong trường hợp ốm đau, tai nạn lao động, thai sản hay thất nghiệp. Đối với người dân, nhất là nhóm yếu thế, BHYT giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế, mà không phải lo lắng về chi phí. Năm 2024, Quỹ BHYT chi trả hơn 2.500 tỷ đồng cho bệnh nhân, trong đó nhiều ca bệnh hiểm nghèo, chi phí hàng trăm triệu đồng. Điển hình, bà Trần Thị H. (64 tuổi, ngụ TX. Tịnh Biên) bị suy thận mãn, phải chạy thận nhân tạo suốt 7 năm qua. Nhờ BHYT, bà được điều trị miễn phí, mỗi năm tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.
P.V: Trong quá trình triển khai chính sách, An Giang đã có những mô hình, cách làm tiêu biểu nào thưa ông?
Ông Đặng Hồng Tuấn:
Chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, đưa thẻ BHYT, sổ BHXH tự nguyện đến với người dân. Nổi bật là: Mô hình “Tổ vận động BHXH tự nguyện” trong hội nông dân, giúp tiếp cận trực tiếp hơn 50.000 hộ dân, vận động được hàng ngàn người tham gia. Chương trình “BHYT học đường – Đồng hành cùng học sinh” giúp tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên tiệm cận 100%. Mô hình “Câu lạc bộ hưu trí – Điểm tựa của BHXH”, với 12 câu lạc bộ hưu trí, hơn 1.500 thành viên, giúp người hưởng lương hưu nắm bắt chính sách mới. Khi ứng dụng AI vào truyền thông và dịch vụ BHXH, BHYT, chúng tôi hỗ trợ hơn 100.000 lượt tra cứu thông tin, giúp giảm hơn 30% thời gian xử lý thủ tục.
P.V: Theo ông, bên cạnh kết quả đạt được, BHXH tỉnh đối mặt những thách thức nào?
Ông Đặng Hồng Tuấn:
Trao quà cho bệnh nhân bảo hiểm y tế
Thách thức lớn nhất là mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện. Hiện nay, phần lớn lao động tự do, nông dân vẫn chưa quan tâm đến BHXH dài hạn. Họ lo ngại khả năng duy trì đóng phí hoặc chưa thấy được lợi ích thiết thực của chính sách. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH tại một số doanh nghiệp vẫn còn, đặc biệt là ở doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, nhưng vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và chi trả BHXH, BHYT vẫn cần đầu tư mạnh hơn, để đảm bảo phục vụ người dân nhanh chóng, thuận tiện nhất.
P.V: Giải pháp thời gian tới để phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn là gì, thưa ông?
Ông Đặng Hồng Tuấn:
Để nâng cao chất lượng, mở rộng chính sách BHXH, BHYT, toàn ngành tập trung 7 định hướng chính: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 25,65% tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (trong đó BHXH bắt buộc 16,6%, BHXH tự nguyện 9,05% và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 95%). Tham mưu đề xuất hỗ trợ 20 – 30% mức đóng BHXH tự nguyện cho lao động nghèo. Tăng cường hợp tác với tổ chức đoàn thể, tuyên truyền đến các nhóm lao động phi chính thức.
Đồng thời, triển khai hồ sơ điện tử cá nhân (ID BHXH), thẻ BHYT điện tử tích hợp căn cước công dân, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ 5 – 7 ngày xuống còn 2 – 3 ngày. Cải cách thủ tục hành chính, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên 100% để người dân dễ dàng tiếp cận. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân, cũng như hiệu quả giám sát chi tiêu quỹ BHYT, ứng dụng AI để phát hiện sớm dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHYT. Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên BHXH “chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả”, đặc biệt là kỹ năng tư vấn, chăm sóc khách hàng. BHXH tỉnh sẽ tiếp tục lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người, thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!
HẠNH CHÂU (Thực hiện)
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/30-nam-bao-hiem-xa-hoi-an-giang-det-luoi-an-sinh-a415017.html