– Sự kiện nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer tại An Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã đánh dấu bước chuyển mình của loại đặc sản này. Trong tương lai gần, cần có những biện pháp cụ thể để bảo tồn nghề truyền thống, để vị ngọt thơm đặc trưng của vùng Bảy Núi tiếp tục nối dài qua nhiều thế hệ.
Giá trị di sản
Xuất thân từ gian bếp của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi, nghề nấu đường thốt nốt đã gắn chặt với vùng đất Tịnh Biên, Tri Tôn từ bao đời nay. Những dòng mật kết tinh từ nắng gió, đi qua ngọn lửa và sự khéo léo của người nấu, đã trở nên thơm ngon lạ thường, trở thành đặc sản của một vùng đất gian lao mà anh dũng.
Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Cây thốt nốt là sản vật quý, thể hiện văn hóa đặc trưng của vùng đất Bảy Núi – An Giang, gắn chặt với đời sống đồng bào Khmer. Do đó, nghề nấu đường thốt nốt đã thể hiện đặc thù gốc tích nông nghiệp, chứa đựng những yếu tố văn hóa của cha ông, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội hiện nay. Có thể nói, nghề nấu đường thốt nốt không chỉ là tài sản vô giá do người đi trước để lại, mà còn là động lực cho quá trình phát triển kinh tế của cộng đồng Khmer hiện nay”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, ngày nay, sản phẩm đường thốt nốt không chỉ là một loại gia vị mà còn là hương vị, là đặc sản của An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Tên gọi “đường thốt nốt” đã khẳng định giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ẩn chứa trong từng sản phẩm.
Với giá trị tiêu biểu của đường thốt nốt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh lập hồ sơ khoa học “Nghề nấu đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang”. Đồng thời, UBND tỉnh có tờ trình đưa nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, thống nhất thông qua hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 376/QĐ-BVHTTDL công bố đưa nghề làm đường thốt nốt của người Khmer tỉnh An Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và chính quyền TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Đồng thời, là tiền đề giúp chúng tôi và cộng đồng Khmer tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” – ông Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Hương vị quê hương
Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Nguyễn Văn Kéo (ngụ phường An Phú, TX. Tịnh Biên) chia sẻ, leo thốt nốt từ khi 15 tuổi, đến nay hơn 40 năm, ông Kéo thuộc hàng “kỳ cựu” trong số những người còn theo cái nghề vất vả này. “Mỗi ngày, tôi leo thốt nốt cũng được 30 cây, kiếm được 200 lít nước. Nếu tính theo số lượng nước thốt nốt thu được, tôi cũng kiếm vài trăm ngàn đồng. Dù cực khổ nhưng nguồn thu khá nên bản thân phải cố gắng. Nghề này đã nuôi sống gia đình tôi mấy chục năm ròng, nên mình không phụ nó”- ông Kéo thật tình. Để lấy được “loại mật” kết tinh từ nắng gió vùng Bảy Núi, người ta phải dùng kẹp tre để kẹp vào bông thốt nốt trước đó vài ngày, rồi mới bắt đầu lấy nước. Do đó, người leo phải để ý từng cây thốt nốt, xem nó có bông cái hay bông đực. Với bông cái, phẩm chất nước ngon hơn, nhưng phải kẹp khoảng 6 ngày mới bắt đầu khai thác được. Với bông đực, chỉ khoảng 2 ngày sẽ cho mẻ nước đầu tiên.
Là nghệ nhân nấu đường thốt nốt tại huyện Tri Tôn, chị Chau Ngọc Diệu rất phấn khởi khi nghề truyền thống của dân tộc mình được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chị Chau Ngọc Diệu chia sẻ: “Nghề nấu đường thốt nốt sau bao thăng trầm đã có động lực phát triển mạnh mẽ hơn. Điều đó càng thôi thúc chúng tôi giữ gìn, phát triển loại đặc sản này. Đường thốt nốt bằng cách nấu truyền thống mang vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng của nắng, của gió vùng Bảy Núi. Bản thân tôi sẽ cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm mình làm ra, xứng đáng với niềm vinh dự của một di sản văn hóa”.
Không chỉ là nghệ nhân nấu đường, chị Chau Ngọc Diệu còn xây dựng được thương hiệu đường thốt nốt Palmania xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Mong muốn của người phụ nữ Khmer này là đem sản phẩm truyền thống, mang hương vị vùng đất mình sinh ra đến với năm châu, bốn biển. Tuy nhiên, chị Chau Ngọc Diệu vẫn gặp những khó khăn nhất định, khi thiếu vùng nguyên liệu tập trung để đạt các chứng nhận sản xuất đường theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, số lượng người lành nghề nấu đường theo kiểu truyền thống ngày càng ít, là rào cản khiến cho đường thốt nốt chưa phát triển như kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành về kiến thức, máy móc chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm, cũng như việc cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Với tâm huyết sẵn có cùng giá trị di sản của cha ông để lại, chúng tôi mong muốn sẽ đem hương vị đặc trưng vùng Bảy Núi đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước” – chị Chau Ngọc Diệu nhấn mạnh.
Phát huy giá trị
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng thông tin: “Chúng tôi vui mừng, phấn khởi đón nhận danh hiệu mới, cũng là bước đi đầu tiên cho hành trình mới không kém phần khó khăn đó là phát huy được giá trị của di sản văn hóa này. Đơn vị sẽ tích cực phối hợp với UBND TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Trong đó, sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị nghề làm đường thốt nốt của người Khmer trong giai đoạn 2025 – 2030”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và của di sản trong cộng đồng. Tăng cường phát huy giá trị di sản nghề nấu đường thốt nốt truyền thống gắn với hoạt động du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống những hộ Khmer tiếp nối nghề nghiệp cha ông. Về góc độ địa phương, UBND TX. Tịnh Biên sẽ tích cực cùng ngành chuyên môn tham gia công tác phát huy giá trị di sản đường thốt nốt.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của nghề làm đường thốt nốt của người Khmer, theo phương châm “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, “biến di sản thành tài sản” để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với tất cả sự trân trọng và tình yêu di sản, tin rằng nghề làm đường thốt nốt của người Khmer huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên sẽ luôn phát triển, đón nhận được nhiều tình cảm yêu mến của Nhân dân và du khách” – Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng khẳng định.
THANH TIẾN
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/van-hoa/van-hoa-su-kien/duong-thot-not-gia-tri-tu-di-san-a413978.html