Phù sa sau bao tháng ẩn mình trong làn nước nhão nhẹt, mỗi bước chân lún sâu xuống lớp bùn khi rút lên rất nặng nề, kèm theo lớp bùn trồi lên, bốc mùi đặc trưng khó ngửi.
Với nông dân đó là mùi của cuộc sống, còn với tôi, đó là sự mới lạ, trải nghiệm khó quên.
Gia đình anh Tư Tài gồm 4 người, đi trên 2 chiếc xuồng, một chiếc chở tay lưới dài hàng trăm mét, một chiếc chở dụng cụ xô, thau, thùng đá chứa sản vật cho một ngày lao động.
Bắt đầu chèo xuồng ra giữa cánh đồng nước mênh mông, con trai của anh cầm một đầu lưới, người cậu (em của anh Tâm) đẩy chiếc xuồng chứa lưới đã được xếp gọn, chậm rãi từng bước một, mỗi bước chân của anh là một đoạn lưới rơi xuống, cứ thế cả hai cùng phối hợp tạo một vòng tròn rất rộng đủ bủa vây đàn cá.
Huyên thuyên trò chuyện cùng nhau một hồi cũng là lúc hai đầu lưới chạm nhau. Lúc này, anh Tâm ra hiệu bắt đầu thu lưới từ từ.
“Chú cứ đứng vịn xuồng, vì vừa thu lưới, vừa xếp lưới lên xuồng, làm vậy cho đỡ cực, chú không có kinh nghiệm sẽ gây rối lưới, lúc sau thả tiếp rất khó và mất thời gian” – anh Tư Tâm yêu cầu, khi tôi mong muốn được tham gia kéo lưới.
Lúc này, có 3 người (anh, người vợ và con cả) đứng lên xuồng thu lưới lại và người cậu đứng dưới ruộng nước hỗ trợ gỡ lưới nếu có vướng chướng ngại vật, tất cả cùng phối hợp nhịp nhàng, thu hàng trăm mét lưới trở lại nhanh chóng.
Cá bị dồn lại bắt đầu bay nhảy lên khỏi mặt nước, nhiều con nhảy ra khỏi vòng lưới để thoát thân. Lưới kéo lên, cá nhảy tanh tách với nhiều chủng loại, như: Cá linh, cá thiểu, cá rô, lòng tong và một số loại cá khác…
Tranh thủ cuối mùa nước nổi, nông dân An Giang thả tay lưới cuối mùa, kiếm con cá ((thường là cá linh, cá thiểu, cá lòng tong, cá rô) và các loài thủy sản khác chưa kịp di cư còn sót lại…
Cá linh, cá thiểu, cá lòng tong sau khi được ngư dân An Giang kéo lên sẽ được làm và phân loại để kịp cân cho bạn hàng gần xa, kiếm thêm thu nhập.
Sau khi kết thúc mẻ lưới đầu tiên, cả nhóm cùng tập trung lại, thu gom ngư cụ để chuẩn bị cho mẻ lưới tiếp theo.
Khi trực tiếp tham gia đánh bắt cá cuối mùa nước nổi An Giang mới thấy rõ được sự vất vả của nông dân, để có khoản thu nhập ít ỏi đó, họ phải dầm mình dưới nước, dùng sức kéo mảnh lưới nặng hàng chục ký. Nhưng họ vẫn lạc quan, tươi cười khi lưới được đầy cá, xóa tan cái mệt nhọc vất vả vừa trải qua.
Đối với tôi, những người quanh năm sống ở khu vực đô thị, việc thả lưới bắt cá chỉ mang đến niềm vui, trải nghiệm thú vị, đồng thời được thưởng thức món cá đồng hấp dẫn.
Đối với người đam mê nghệ thuật, mùa nước nổi như một bức tranh sống động, giúp họ ghi lại những khoảnh khắc lao động đời thường, có thêm những bức ảnh đẹp về mùa nước nổi.
Còn đối với nông dân An Giang, mùa nước nổi mang lại nhiều sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cùng nhiều lợi ích, đó là đồng ruộng được bồi đắp bởi lượng phù sa dồi dào, diệt được sâu bọ, côn trùng giúp ích sản xuất nông nghiệp, với một hy vọng vụ mùa bội thu.