– Thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp, tỉnh An Giang tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động nữ, đồng bào dân tộc thiểu số… có cơ hội phát triển sản xuất – kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Từ năm 2021 đến tháng 8/2024, từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn huy động, vốn ủy thác địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân gần 1.150 tỷ đồng; xét duyệt cho vay giải quyết việc làm 23.114 lao động. Giai đoạn này, toàn tỉnh đưa 1.758 người lao động (NLĐ) làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND, ngày 8/12/2020 của HĐND tỉnh, hỗ trợ gần 500 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kinh phí trên 2,4 tỷ đồng; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ tín dụng cho 471 NLĐ, tổng số tiền là 39,1 tỷ đồng. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho NLĐ, mà còn thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, giúp NLĐ tiếp thu kiến thức, kỹ năng, rèn luyện tác phong, ý thức kỷ luật lao động, khi quay trở về sẽ là nguồn nhân lực đáng quý đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh An Giang Bùi Công Bằng nhận xét: “Sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan đã góp phần quan trọng tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh nói chung, công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nói riêng. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thủ tục hồ sơ, hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, thực hiện được nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của NLĐ và gia đình họ trong việc chủ động tìm kiếm việc làm, tạo việc làm, bước đầu có tích lũy… nên thu hút nhiều người tham gia”.
HĐND tỉnh giám sát kết quả hỗ trợ việc làm cho người lao động
Tuy nhiên, qua khảo sát, một số cơ sở, doanh nghiệp có vay vốn, sử dụng NLĐ trên địa bàn, địa phương, đơn vị liên quan đều gặp vướng mắc phần nào, khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng. Điển hình là các phiên giao dịch việc làm tạm ngưng, hạn chế đến công tác kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và NLĐ. Việc thu hút doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế có sử dụng lao động nhiều, lao động có tay nghề về tỉnh còn hạn chế, khó khăn, phần lớn lao động của tỉnh đi làm việc xa quê; số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng qua từng năm, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng lao động của tỉnh. Chi phí đi làm việc ở nước ngoài khá cao, nên lao động không đủ khả năng tài chính tham gia. Mặt khác, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn hạn chế, khiến nhiều lao động, hộ gia đình muốn vay sản xuất – kinh doanh cũng khó tiếp cận…
Để tháo gỡ các khó khăn trên, đưa việc làm đến gần NLĐ hơn, UBND TX. Tịnh Biên đề nghị tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Tỉnh cần có cơ chế, chủ trương hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho NLĐ theo cụm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ giảm chi phí đi đến trung tâm lớn. UBND huyện Châu Thành đề nghị bố trí nguồn vốn tăng dần theo hàng năm để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Thực tế, trên địa bàn huyện còn nhiều lao động, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng nguồn vốn vay ủy thác chưa đáp ứng. Cần quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, đầu tư từ ngân sách xây dựng thiết chế cho Khu công nghiệp Bình Hòa giai đoạn 2, giúp giải quyết việc làm cho NLĐ trên địa bàn huyện cũng như những địa bàn lân cận…
“Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh có đủ nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của người dân trong thời gian tới, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh cho chủ trương hàng năm bổ sung nguồn vốn cho chi nhánh thực hiện cho vay các chương trình; phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn địa phương đạt 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Năm 2025, kiến nghị xem xét bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền 121 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (80 tỷ đồng); cho vay lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (28 tỷ đồng); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (10 tỷ đồng); cho vay người chấp hành xong án phạt tù (3 tỷ đồng)” – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Anh Tuấn kiến nghị.
Theo đoàn giám sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền chiều sâu lẫn chiều rộng chính sách được hỗ trợ theo Nghị quyết 17/2020/NQ-HĐND, để người dân biết, chủ động đăng ký tham gia. Công tác dự báo, điều tra, phân tích, định hướng, xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp; kết nối cơ sở dữ liệu hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, thông tin thị trường lao động… cần được quan tâm hơn nữa, giúp định hướng đào tạo nghề hiệu quả trong thời gian tới. Địa phương, đơn vị quan tâm thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định của Bộ luật Lao động trong doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện chính sách, chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động, tình hình quản lý, sử dụng lao động ngoài tỉnh, lao động là người nước ngoài, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/an-giang-24-gio/thoi-su/cau-noi-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-a412224.html